Theo thỏa thuận 9 điểm, cả 2 bên nhất trí ngừng sử dụng mọi loại vũ khí hạng nặng tại các khu vực có dân cư sinh sống và rút trọng pháo khỏi khu vực ngừng bắn.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng yêu cầu tất cả các nhóm vũ trang nước ngoài rút binh sĩ và các phương tiện chiến đấu đến các điểm cách khu phi quân sự ít nhất 15 km. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chịu trách nhiệm giám sát các bên thực thi thỏa thuận này.
Thỏa thuận này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố của Liên minh châu Âu đưa ra nêu rõ, thỏa thuận ngừng bắn đạt được gần đây đã giảm đáng kể tình trạng bạo lực đang diễn ra tại miền Đông Ukraine. Đây sẽ là chìa khóa cho những nỗ lực để đạt được một giải pháp chính trị lâu dài. Liên minh châu Âu cũng kêu gọi các bên thực hiện hoàn toàn thỏa thuận mới đạt được.
Ngày 21/9, Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập, tiếp tục trao đổi 56 tù nhân trong ngày thứ hai, như một phần của việc thực thi thỏa thuận hòa bình vừa đạt được.
Một nhà đàm phán của chính phủ Ukraine Yuiy Tamdit cho biết: “Mọi thứ diễn ra đều ổn. Các hoạt động trao đổi tù nhân rất tích cực mặc dù có chút chậm trễ. Đến nay, đã có 66 tù nhân được thả”.
Mặc dù vậy, trong một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận hòa bình vừa đạt được có nguy cơ đổ vỡ khi phía Ukraine lên tiếng cáo buộc lực lượng đối lập vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết, trong 24 giờ qua, phía Ukraine đã mất 2 binh lính và 8 người bị thương. Lực lượng đối lập đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào sân bay quốc tế tại Donetsk.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định, sẽ không thực hiện một khu vực phi quân sự như đã đề xuất, cho đến khi những vi phạm lệnh ngừng bắn chấm dứt, đồng thời đặt ra các điều kiện rút binh sĩ ra khỏi khu vực chiến sự.
Ông Poroshenko nói: “Yêu cầu đầu tiên của tôi đó là rút quân ra khỏi khu vực. Chúng tôi sẽ chứng kiến những binh lính cuối cùng rời khỏi đây. Yêu cầu thứ 2 của tôi đó là đóng cửa biên giới. Yêu cầu thứ 3 đó là thả các con tin”.
Lực lượng đối lập Ukraine chưa đưa ra phản ứng sau những cáo buộc trên. Những động thái này của các bên tại Ukraine khiến dư luận lo ngại thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được thực tế chỉ là “trên danh nghĩa”.
Một tướng lĩnh NATO Philip Breedlove cho rằng, tình hình Ukraine chưa có nhiều cải thiện với các vụ bắn pháo tiếp diễn. Điều này trái ngược hoàn toàn với những điều được ghi trong thỏa thuận ngừng bắn.
Ngày 21/9, Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Lamberto Zannier cũng cảnh báo các bên ở Ukraine không được sử dụng lệnh ngừng bắn “để thúc đẩy những mưu đồ của riêng mình”.
Ông Lamberto Zannier nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn không phải là cơ hội để các bên làm bàn đạp nhằm đạt được lợi thế và điều này sẽ khiến mọi thứ sụp đổ.
Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu đang nỗ lực để đảm bảo lệnh ngừng bắn có hiệu lực và giảm căng thẳng của cuộc khủng hoảng. Hiện khoảng 80 quan sát viên OSCE đang được triển khai tại Ukraine để giám sát thỏa thuận ngừng bắn.
Các bên trong cuộc xung đột Ukraine đã nhiều lần đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng sau đó lại bị phá vỡ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kéo dài 5 tháng qua tại Ukraine đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người và đẩy ít nhất 260.000 người phải đi sơ tán, đặc biệt khi những “phụ thuộc” trong vấn đề năng lượng giữa Nga - Ukraine, Nga – EU đang cấp thiết hơn bao giờ hết do mùa đông sắp đến, thì các bên cũng đang cố gắng tìm ra một giải pháp làm giảm nhiệt cuộc khủng hoảng ở nước này./.