Ngày 18/9,AP đưa tin, bất chấp lời đề nghị khẩn thiết của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhân chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhằm chống lại lực lượng đối lập.
Trước đó, trong phiên họp của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine cho biết, ông đánh giá cao sự hỗ trợ các trang thiết bị phi sát thương của Mỹ nhưng đó là không đủ để chấm dứt bạo lực tại miền Đông Ukraine.
Ông Poroshenko phát biểu: “Chăn quân đội và kính nhìn đêm rất quan trọng nhưng không ai có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến với một tấm chăn”.
Mới đây, Nhà Trắng đã công bố một khoản hỗ trợ mới lên tới 46 triệu USD cho quân đội Ukraine, bao gồm các thiết bị vũ trang như radar quân sự, tàu tuần tra, áo chống đạn và 7 triệu USD cho các tổ chức nhân đạo.
Sau cuộc gặp với ông Obama, Tổng thống Poroshenko đã tỏ ra dè dặt hơn khi nhắc đến đề nghị viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.
Ông cho biết: “Tôi hài lòng với mức độ hợp tác của chúng tôi với Mỹ trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Tôi không thể nói thêm nhưng tôi rất hài lòng”.
Ngoài việc tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt quân sự của Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Poroshenko còn nhằm mục đích gửi thông điệp đến Nga về sự ủng hộ mạnh mẽ của phương Tây với Ukraine.
Tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ông Obama đã ngồi bên cạnh ông Poroshenko và tuyên bố: “Người dân Mỹ sẽ sát cánh với người dân Ukraine”. Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi ông Poroshenko là “người đàn ông phù hợp nhất” để lãnh đạo đất nước trong thời điểm khó khăn.
Đề nghị hỗ trợ vũ khí sát thương nhằm đẩy lùi lực lượng đối lập của Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng đã nhận được sự tán đồng của một số nghị sĩ Mỹ và quan chức Nhà Trắng.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez tuyên bố: “Trước sự khiêu khích của Nga, Ukraine cần sự ủng hộ kiên định của Mỹ chứ không phải là một câu trả lời mơ hồ”.
Tuy nhiên, theo ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine cho biết, Mỹ sẽ cho ông Putin một sự “tạm nghỉ” nhằm đề phòng với tiềm năng quân sự to lớn của Nga.
Biện pháp ưa thích của ông Obama để đối phó với Nga là áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế trong các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính cũng như đối với các quan chức Chính phủ Nga và các cá nhân có liên hệ với ông Putin.
Đến nay, tuy các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn đang kiên định với các chính sách của mình.
Tuần tới, một nhóm quan chức của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Penny Pritzker sẽ bay tới thủ đô Kiev, Ukraine để thảo luận về chính sách cải cách kinh tế của nước này./.