Quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với “sóng gió mới” khi hai bên đều có thái độ cứng rắn liên quan đến việc sửa đổi luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ.

eu_tho_gmqz.jpg
Thỏa thuận EU – Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đối mặt với sóng gió. (Ảnh: Brookings)

Giới phân tích dự đoán, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, đạt được hồi tháng 3 vừa qua nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nếu không có sự nhượng bộ, nhiều khả năng, thỏa thuận có thể sẽ phải đàm phán lại.

Các nghị sĩ Liên minh châu Âu hôm qua (18/5) tiếp tục giữ thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ khi yêu cầu nước này phải sửa đổi luật chống khủng bố, một trong 5 điều khoản quan trọng trong danh mục gồm 72 điều khoản mà 2 bên cam kết thực hiện trước khi công dân nước này có thể được miễn thị thực vào châu Âu.

Phát biểu trước báo giới khi đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, người đứng đầu phái đoàn nghị viện châu Âu Marietje Schaake nhấn mạnh: “Việc thay đổi luật chống khủng bố là một chủ đề nóng của các cuộc thảo luận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, tiêu chí miễn thị thực đã được EU và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí năm 2013. Có 72 tiêu chí đã được hai bên cam kết bằng văn bản. Nghị viện châu Âu tin rằng, các tiêu chí này cần phải được phía Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trước khi chúng tôi có thể bỏ phiếu thông qua quyết định miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

 Người đứng đầu phái đoàn nghị viện châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về việc luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được sử dụng làm công cụ để kiềm chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nước này.

Đáp lại tuyên bố của các nghị sĩ Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không chịu nhượng bộ. Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin đã lên tiếng bác bỏ việc nước này sẽ thay đổi luật chống khủng bố theo yêu cầu của Liên minh châu Âu.

Ông Kalin nói: “Mọi người nên tôn trọng luật chống khủng bố cũng như các biện pháp chống khủng bố của chúng tôi. Một vấn đề thực tế là EU cần ủng hộ chúng tôi trong cuộc chiến này. Vì an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là an ninh cho châu Âu. Chúng tôi đang tiến hành cuộc chiến toàn diện chống khủng bố. Do đó sẽ là không hợp lý nếu ai đó yêu cầu chúng tôi thay đổi luật mà luật đó lại ủng hộ cho những kẻ khủng bố cũng như khuyến khích những người ủng hộ chúng”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn làm tất cả những gì có thể để hoàn tất thỏa thuận đã có giữa nước này với EU nhằm kiểm soát dòng người di cư. Ông Kalin nhấn mạnh, không có sự thay đổi trong chính sách cũng như thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề này.

Theo đánh giá của giới phân tích, những tuyên bố cứng rắn của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ làm cản trở không nhỏ đến việc thực thi thỏa thuận giữa hai bên. Để thoả thuận EU -Thổ Nhĩ Kỳ được thực thi đầy đủ, Thổ Nhĩ Kỳ đặt điều kiện châu Âu phải áp dụng cơ chế miễn thị thực cho công dân nước này.

Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thực thi những cải cách theo yêu cầu của Liên minh châu Âu đã khiến việc dỡ bỏ thị thực chưa thể thực hiện. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng nước này về cơ bản đã hoàn tất các điều khoản trong thỏa thuận với EU trong khi EU lại khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ còn phải đáp ứng 5 điều khoản quan trọng nữa trong danh mục gồm 72 điều khoản mà 2 bên cam kết thực hiện trước khi công dân nước này có thể được miễn thị thực vào châu Âu./.