Trong một động thái được xem là nới lỏng sức ép với Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua (10/5) tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ muốn EU triển khai việc miễn thị thực cho công dân nước này muộn nhất là tháng 10 tới, tức là gia hạn thêm bốn tháng so với yêu cầu ban đầu.

tnky_vdga.jpg
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của EU buộc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi luật chống khủng bố. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh, nhiều nước châu Âu đã bắt đầu tìm kiếm một phương án B cho thỏa thuận EU- Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhập cư, do cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những yêu cầu mà họ cho là ngày càng “quá đáng” của nước này.

Hôm qua (10/5), Tổng thống Erdogan cho biết, ông hy vọng EU sẽ giữ đúng lời hứa của mình về vấn đề miễn thị thực cho công dân nước này chậm nhất là vào tháng 10 tới. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện cam kết về vấn đề nhập cư và giờ đến lượt Liên minh châu Âu thể hiện trách nhiệm của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Liên minh châu Âu sẽ có thêm bốn tháng để hoàn thành thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì ngay trong tháng 6 tới như cam kết ban đầu.

Miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào Không gian tự do đi lại Schengen là một  trong những điểm quan trọng của thỏa thuận được đánh giá là lịch sử đạt được hồi tháng 3 giữa EU  và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay. Tuy nhiên, những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngừng gia tăng sức ép và cảnh báo rút khỏi thỏa thuận nếu vấn đề miễn thị thực không được giải quyết trước cuối tháng 6 tới.

Trước đó, hồi đầu tuần, Ủy ban châu Âu đã phải nhượng bộ và bật đèn xanh cho vấn đề này, song với điều kiện Thổ Nhĩ Kỳ phải đáp ứng được 72 tiêu chuẩn của khối, đặc biệt là yêu cầu buộc nước này phải cải tổ luật chống khủng bố.

Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này, đồng nghĩa với việc thỏa thuận đạt được hồi tháng 3 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Ngay trong phát biểu ngày 10/5, Tổng thống Erdogan cũng một lần nữa nhấn mạnh, nếu muốn Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi, thì EU mới là bên phải thay đổi luật chống khủng bố của mình  trước.

Ông Erdogan thậm chí còn cho rằng, chính những biện pháp chống khủng bố hiện nay của Liên minh châu Âu đã biến khối này trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhánh chính trị của chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Erdogan nói: “Những phát biểu và yêu cầu của EU về luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ là một minh chứng hoàn chỉnh cho những gì mà người ta gọi là bộ phim hài châm biếm. Như các bạn đã biết, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những cảnh báo cần thiết ngay trước thời điểm diễn ra vụ tấn công khủng bố tại Bỉ. Song họ lại không hề để tâm đến nó. Vì thế, chính Liên minh châu Âu mới là bên phải thay đổi luật chống khủng bố của mình trước”.

Theo các nhà phân tích, thái độ mềm dẻo hơn của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề miễn thị thực là do một số nước thành viên EU đã bắt đầu tìm kiếm một sự thay thế cho thỏa thuận này và nếu cứ tiếp tục căng thẳng  thì điều này sẽ không hề có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn vẫn xem việc gia nhập Liên minh châu Âu là một mục tiêu chiến lược.

Theo truyền thông châu Âu, việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, “kiến trúc sư” của thỏa thuận này và được cho là có quan hệ khá tốt đẹp với Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo từ chức đã làm dấy lên nghi ngờ rằng, liệu Tổng thống Erdogan còn sẵn lòng thực thi phần trách nhiệm của mình hay không.

Nhiều nhà ngoại giao châu Âu cũng cho rằng, thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ của bên ngoài, Liên minh châu Âu nên tự lo bảo vệ mình trước, đó là tiếp tục bảo vệ biên giới bên ngoài, xử lý tại chỗ các trường hợp tị nạn ngay trên các đảo thay vì trong đất liền, cũng như trục xuất các trường hợp tị nạn bất hợp pháp./.