“Không có ý kiến phản đối nào, tôi xin tuyên bố Thỏa thuận Paris về khí hậu đã được thông qua”. Phát biểu cuối cùng của Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc lần thứ 21 về biến đổi khí hậu (COP21) sau 13 ngày đàm phán căng thẳng đã làm vỡ mọi cảm xúc.
Các đại biểu tham dự COP21 hoan nghênh thỏa thuận lịch sử vừa đạt được. Ảnh Reuters |
Theo Ngoại trưởng Fabius, đây là một “thời khắc lịch sử”, sau 6 năm thất bại của Hội nghị tại Copenhagen (Đan Mạch), năm 2009.
Để hạn chế tình trạng nóng ấm toàn cầu, nguyên nhân của các đợt nắng nóng kỷ lục, của hạn hán, lũ lụt và tan băng, Thỏa thuận đã đề ra một mục tiêu rất tham vọng là giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C và kêu gọi cố gắng chỉ ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, như yêu cầu của những nước chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu.
Một điểm đáng chú ý khác là cam kết của các nước phát triển hỗ trợ 100 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu chỉ là một mức sàn, đây cũng là một yêu cầu mạnh mẽ của các nước phía Nam.
Rời phòng đàm phán, đại diện các nước tham gia Hội nghị đều tỏ ra hài lòng và đánh giá Thỏa thuận đạt được là một “bước ngoặt lịch sử” trong nỗ lực toàn cầu chống lại tình trạng nóng ấm toàn cầu.
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, không có thỏa thuận nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người, song văn kiện vừa đạt được sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và ngăn chặn những hậu quả tồi tệ của biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. Không phải tất cả mọi người đều hài lòng về thỏa thuận này nhưng rõ ràng thỏa thuận sẽ giúp thế giới chuẩn bị cho những tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi đạt được một thỏa thuận mà nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ giúp tiến tới một nền kinh tế năng lượng sạch và quan trọng nhất đó là ngăn chặn những hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra”, ông Kerry nói.
Chia sẻ quan điểm này, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Tạ Chấn Hoa nhấn mạnh: “Trung Quốc hoan nghênh nồng nhiệt thỏa thuận đạt được tại Paris. Dù đây không thật sự là một thỏa thuận hoàn hảo và vẫn còn một số vấn đề cần phải suy ngẫm, song điều nay không ngăn cản chúng ta tiến những bước tiến lịch sử về phía trước”.
Những phản hồi đầu tiên từ các nhà lãnh đạo thế giới, các chính trị gia và các lãnh đạo doanh nghiệp đều rất tích cực. Trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi Thỏa thuận đạt được tại Paris là một Thỏa thuận mạnh mẽ và mang tính lịch sử.
Ông gọi đây là “cơ hội tốt nhất” để cứu Trái đất khỏi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khi cả thế giới đã cùng đoàn kết lại trong chiến dịch này.
Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì chia sẻ “Hôm hay thế giới đã đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hôm nay thế giới đã có được chiếc phao cứu sinh, một cơ hội cuối cùng để chuyển giao cho các thế hệ tương lai một thế giới ổn định hơn, một hành tinh khỏe mạnh hơn, những xã hội công bằng hơn và các nền kinh tế thịnh vượng hơn”.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, cộng đồng thế giới không thể tự mãn với kết quả này và đây mới chỉ là “một sự khởi đầu” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ông Hollande cho biết, ngay ngày 12/12, sẽ đề nghị các nước muốn đi xa hơn nữa và nhanh hơn nữa trong cuộc chiến này hãy xem xét lại tất cả các cam kết, đặc biệt là cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2020, thời điểm mà văn kiện bắt đầu có hiệu lực.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Jim Yong Kim kêu gọi một quyết tâm mạnh mẽ hơn, sự hợp tác sâu sắc hơn, quá trình huy động tài chính và công tác thực thi các kế hoạch khí hậu ở từng nước. Ông cho rằng Thỏa thuận Paris đã được công bố và giờ đây chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm trong công việc.
Theo bà Hakima El Haite, Bộ trưởng Môi trường Morroco, nước chủ tịch Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu sắp tới, bước đi sắp tới là hiện thực hóa thỏa thuận và biến lời nói thành hành động cụ thể trong khi vẫn không ngừng đổi mới các nỗ lực.
“Morroco sẽ hành động phối hợp với nước chủ tịch Pháp, cũng như những người bạn Peru, những nước Chủ tịch châu Á sắp tới và tất cả những nước liên quan để Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 22 sẽ là một thành công tiếp theo.
Bắt đầu ngay từ hôm nay, chúng ta cần biến thỏa thuận đạt được tại Paris thành hành động hiệu quả và những kết quả cụ thể. Với tinh thần này, chúng tôi hi vọng COP22 sẽ là một hội nghị của hành động, đổi mới và chia sẻ giải pháp”, bà Haite nói.
Có thể thấy từ thất bại tại Copenhagen tới thành công tại Paris là một chặng đường dài. Thế giới đã trải qua nhiều cuộc đàm phán cân não, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng thực tế đã chứng minh, mọi việc đều là có thể nếu các nước thực sự có quyết tâm.
Dù còn nhiều trở ngại lớn ở phía trước để chính thức có hiệu lực, mà trước mắt là phải vượt qua các cuộc bỏ phiếu tại ít nhất 55 quốc gia, chiếm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, song có thể nói thỏa thuận vừa đạt được có ý nghĩa sống còn với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.