Nhận định của Ngoại trưởng Pháp, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) Laurent Fabius cho thấy cho thấy một tia lạc quan rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được vào ngày 12/12. 

Tháp Eiffel biểu tượng của thủ đô Paris (Pháp), nơi đang diễn ra Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21), đã được thắp sáng trong đêm qua nhằm gửi đi thông điệp “khích lệ” hội nghị. Thông điệp này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “nói không với kế hoạch B” và hướng tới “giảm cacbon”, giữ tình trạng ấm lên toàn cầu dưới “1,5 độ C”. 

cop21_chia_re_bac_nam_lai_noi_len_wxzd.jpg
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius lạc quan rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được vào ngày 12/12. (ảnh: AFP).

Sau 2 tuần thảo luận, COP21 đã không đạt được thỏa thuận cuối cùng nhằm xoa dịu tình trạng ấm lên toàn cầu vào thời hạn ngày 11/12, do đó, Hội nghị sẽ kéo dài thêm một ngày sang ngày 12/12.

Theo nguồn tin từ nước chủ nhà Pháp, thỏa thuận cuối cùng sẽ được công bố sáng 12/12 (theo giờ địa phương) trước khi được thông qua vào trưa cùng ngày. Đại diện các nước tham dự hội nghị đã có phiên thảo luận kéo dài suốt đêm 10/12 và công bố một bản dự thảo thỏa thuận mới cho thấy đã đạt tiến bộ trong một số vấn đề.

Chủ tịch COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tỏ ra rất lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận toàn cầu và khẳng định “mọi việc đang đi đúng hướng”.

Ông Fabius nói: “Chúng ta đang có mọi điều kiện để đạt được một thỏa thuận toàn cầu, một thỏa thuận đầy tham vọng. Các nước sẽ phải nhận thấy rằng các điều kiện chưa bao giờ thuận lợi như lúc này để tiến tới một thỏa thuận về khí hậu tại Paris. Và lúc này sẽ là trách nhiệm của các Bộ trưởng để đưa ra quyết cuối cùng”.

Dù COP21 phải trì hoãn thêm một ngày để đạt thỏa thuận cuối cùng, song bầu không khí lạc quan đang bao trùm cuộc họp tại Paris với hy vọng các nhà lãnh đạo 195 nước thành viên Liên Hợp Quốc sẽ nắm lấy thỏa thuận mạnh mẽ nhất có thể ràng buộc cả các nước giàu và những nước nghèo cùng chung tay hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Một trong những mục tiêu chính của thỏa thuận này là thúc đẩy các quốc gia dần thay thế tiến đến loại bỏ việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí ga, nguồn xả thải chính dẫn tới hiệu ứng nhà kính và hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi bản dự thảo thỏa thuận 27 trang đang sẵn sàng trên bàn đàm phán là “nền tảng tốt” cho một thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng xác định hội nghị lần này là "cơ hội hành động cuối cùng" để hạn chế những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ và nước biển dâng đe dọa sự tồn vong của các đảo và vùng ven biển./.