Một số điểm nổi bật trong thỏa thuận bao gồm việc giới hạn nhiệt độ tăng dưới mức 2 độ C và dành hàng tỉ USD cho các nước đang phát triển kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.
Lãnh đạo thế giới hoan nghênh việc thông qua thỏa thuận tại COP21. Ảnh Reuters |
Trên trang mạng xã hội Tweeter, Tổng thống Barack Obama gọi thỏa thuận đạt được là có tầm quan trọng to lớn, với việc hầu hết các nước trên thế giới đều kí vào thỏa thuận.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, không có thỏa thuận nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người và thỏa thuận khí hậu này sẽ giúp thế giới chuyển sang một giai đoạn năng lượng sạch và ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu.
Ông Kerry nói: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận. Không phải tất cả mọi người đều hài lòng về thỏa thuận này nhưng rõ ràng thỏa thuận sẽ giúp thế giới chuẩn bị cho những tác động của biến đổi khí hậu.
Chúng tôi đạt được một thỏa thuận mà nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ giúp tiến tới một nền kinh tế năng lượng sạch và quan trọng nhất đó là ngăn chặn những hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra”.
Tổng giám đốc Qũy Tiền tệ Thế giới Christine Lagarde cho rằng, đây là một bước đi quan trọng giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu trong thế kỉ 21. Bà Lagarde cũng kêu gọi chính phủ các nước cần phải biến lời nói thành hành động, đặc biệt thực hiện những chính sách giúp thực hiện hiệu quả những cam kết mà họ đã đưa ra.
Cao ủy châu Âu về Khí hậu Miguel Arias Canete nhấn mạnh, trong thời khắc vui mừng của việc đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu, thế giới cũng cần phải nghĩ đến việc bắt tay ngay vào thực hiện những mục tiêu mà mình đã cam kết./.