Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình địa phương NTV vào hôm 14/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cùng các nước đơn lẻ khác để thực thi các lệnh trừng phạt chống Nga là "phi thực tế".

Ông Cavusoglu cho biết: Các nước trừng phạt Nga đều hiểu rằng, với vị trí trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyện nước này tham gia trừng phạt Nga là phi thực tế. Tuy nhiên, nếu Liên Hợp Quốc phê chuẩn các lệnh trừng phạt đó thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải tuân theo.

"Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng. Nhưng nếu Liên Hợp Quốc phê chuẩn các lệnh trừng phạt chống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải tuân theo".

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ thêm rằng các đối tác phương Tây thường hỏi Ankara "các ngài sẽ đóng cửa không phận đối với máy bay Nga chứ?" nhưng Thổ Nhĩ Kỳ giữ vị trí đứng giữa và cam kết bảo đảm ổn định tình hình.

Kể từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào ngày 24/2, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng duy trì quan điểm trung lập, hối thúc đối thoại hòa bình giữa Moscow và Kiev, và đề xuất làm trung gian hòa giải cho hai bên.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cảnh báo chớ nên cô lập Nga. Khác với các nước thành viên NATO khác, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối áp đặt trừng phạt kinh tế lên Nga. Ông Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì các kênh ngoại giao với cả Moscow và Kiev.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, một số công ty vũ khí tư nhân của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Chẳng hạn, hãng Baykar Defense đã cung cấp cho Ukraine các UAV sát thủ Bayraktar TB2 do họ sản xuất.

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận rằng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có những bất hòa và hiểu lầm nhất định nhưng xu hướng hợp tác cùng có lợi giữa 2 nước vẫn thắng thế./.