Mỹ cho tới nay đã phải vất vả tìm cách thuyết phục Ấn Độ thôi mua dầu mỏ của Nga. Mỹ cho rằng việc mua dầu như thế không mang lại lợi ích cho Ấn Độ mà có thể gây hại cho nước này trước tình hình "chiến dịch quân sự" của Nga ở Ukraine.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, trong cuộc điện đàm hôm 11/4, Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Modi rằng Mỹ có thể giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn năng lượng của mình.
Bà Psaki nói: "Chúng tôi sẽ rất vui được giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn năng lượng, dù rằng lượng dầu mỏ nhập từ Nga chỉ chiếm khoảng 1-2% lượng dầu nhập khẩu của họ. Tổng thống đã nói rõ rằng gia tăng nhập năng lượng và các mặt hàng khác của Nga là không phục vụ lợi ích của chính Ấn Độ".
Cuộc điện đàm giữa hai ông Biden và Modi diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga Lavrov đã ca ngợi Ấn Độ biết phán xét "tình hình trong tính tổng thể, chứ không phải là một chiều".
Ấn Độ đã mua 13 triệu thùng dầu mỏ giảm giá của Nga kể từ khi Nga phát động tấn công quân sự nhằm vào Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Theo AP, truyền thông Ấn Độ cho hay Nga đang bán dầu cho Ấn Độ với mức giá giảm 20% so với mức toàn cầu.
Việc Ấn Độ mua dầu của Nga đã đẩy quốc gia Nam Á này vào thế xung khắc với Mỹ và các đồng minh phương Tây - những quốc gia đã cố gắng áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga kể từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong thông báo vào chiều 11/4, Nhà Trắng cho biết các nhà lãnh đạo Biden và Modi "cam kết tăng cường quan hệ Mỹ-Ấn Độ thông qua hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ, và quân sự, đồng thời mở rộng các mối quan hệ kinh tế và nhân dân".
Tuy nhiên Nhà Trắng nhấn mạnh rằng Ấn Độ "sẽ có quyết định riêng" về cách phản ứng trước chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Putin./.