Động thái này diễn ra sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris khiến 129 người thiệt mạng, 350 người khác bị thương, mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng tuyên bố nhận trách nhiệm.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu hôm qua cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ "có kế hoạch" hoạt động chung với Mỹ để chấm dứt sự hiện diện của các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) dọc biên giới nước này với Syria. Hãng tin nhà nước Anatolia dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo vẫn hiện diện tại một số khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phía bắc Syria. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tấn công những khu vực nhóm Nhà nước Hồi giáo kiểm soát ở vùng biên giới.

canh_sat_2_vljw.jpg
Cảnh sát New York tăng cường an ninh tại Times Square (Ảnh Reuters).

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc phỏng vấn hôm qua cho biết, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đóng cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria để thực hiện một chiến dịch quân sự chung.

“Chúng tôi đang tăng cường nỗ lực chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và rõ rànglà sẽ tăng cường các chiến dịch quân sự ở khu vực biên giới. Chúng tôi cũng thống nhất sẽ tăng cường trao đổi thông tin và chắc chắn nhóm Nhà nước Hồi giáo sẽ phải đối mặt với sức ép lớn  hơn.”

Còn tại London, Thủ tướng Anh David Cameron chuẩn bị tiến hành cuộc bỏ phiếu về việc tiến hành không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn tại thủ đô Paris, Pháp hôm 13/11, ông Cameron cho rằng, việc Anh mở rộng can thiệp quân sự ở Syria là “bắt buộc”. 

Phát biểu trước Hạ viện Anh ông Cameron nói: “Tôi tin rằng, chúng ta cần phải hành động chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Theo tôi đó là  bước đi quan trọng đầu tiên. Tôi sẽ đề ra một chiến lược toàn diện để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tầm nhìn của chúng ta là ổn định, hòa bình khu vực Trung Đông, trong đó bao gồm cả kế hoạch hành động tại Syria”.

Nhà lãnh đạo Anh đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu về chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria vào tháng tới nếu có đủ sự ủng hộ từ các nghị sĩ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, Quốc vương Salman của Saudi Arabia đề xuất lập tổ chức chống khủng bố quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và tuyên bố đã dành sẵn 110 triệu USD cho tổ chức này.

Trong khi đó, tuyên bố ngày 17/11, Nga cho biết sẵn sàng phối hợp với Pháp để tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Phát biểu trước các quan chức quân đội hàng đầu trong cuộc gặp diễn ra sau khi Pháp thông báo điều tàu sân bay Charles de Gaulle tới phía Đông Địa Trung Hải, Tổng thống Nga Putin nói: “Có thể Pháp sẽ sớm cử một tàu sân bay cùng với nhóm hải quân đến khu vực Địa Trung Hải. Chúng ta cần phải liên hệ trực tiếp với người Pháp và làm việc với họ như các đồng minh. Chúng ta cần phải hợp tác với họ để tham gia vào kế hoạch chung cả trên biển và trên không”.

Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp  sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong cuộc gặp ngày 26/11 tới tại Moscow.

Trước đó cùng ngày, Điện Kremlin thông báo, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Hollande, Tổng thống Nga  Putin cho biết hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự và tình báo, đồng thời phối hợp hành động chống khủng bố ở Syria. Tổng thống Putin đã lệnh cho tàu tuần dương Nga trang bị tên lửa bắt đầu hợp tác với quân đội Pháp trong các chiến dịch tại Syria.

Trước đó, ngày 16/11, Tổng thống Pháp Hollande tuyên bố điều tàu sân bay Charles de Gaulle tới phía Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo đang diễn ra ở Syria. Với 26 chiến đấu cơ trên khoang, tàu Charles de Gaulle giúp gia tăng đáng kể khả năng không kích của Pháp khi phối hợp cùng 12 máy bay chiến đấu đang đóng tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan./.