Loạt đánh bom và nổ súng kinh hoàng ở Paris (Pháp) hôm 13/11 là hoạt động chưa từng có tiền lệ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, và là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở Paris từ Thế chiến 2.

ngay_tan_is_1_ynqh.jpg
Cuộc tấn công khủng bố do IS tiến hành ở Paris tối 13/11 khiến dân chúng hoảng loạn. Ảnh: AP.

IS đã chính thức nhận trách nhiệm về vụ thảm sát này. Ngoài ra còn có khả năng IS cũng là thủ phạm đằng sau vụ rơi máy bay Nga A321 và vụ tấn công chết chóc ở thủ đô của Lebanon mới đây.

Đòn khủng bố choáng váng

Sự kiện ở Paris nổi bật hơn hẳn do phương thức hành động quả quyết, số lượng thương vong lớn (so với trường hợp Lebanon), lại xảy ra ở giữa thủ đô hoa lệ của một cường quốc là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hơn nữa, đây hiển nhiên là cuộc tấn công khủng bố - chính IS “trung ương” cũng đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Có nhiều điều đáng nói về loạt tấn công 13/11 ở Paris, xét về quy mô, mức độ tàn bạo, mức độ tính toán và phối hợp.

Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS đã qua mặt mạng lưới tình báo phương Tây, đặc biệt là Pháp, Mỹ và Anh. Trong vụ này, chúng đã thay đổi phương pháp liên lạc để tránh sự theo dõi tinh vi của cơ quan tình báo phương Tây, những người có vẻ chủ quan khi cho rằng IS chưa thể điều phối các đòn đánh khủng bố ở quy mô lớn, chưa thể chỉ đạo trực tiếp các cuộc tấn công như vậy mà mới chủ yếu dựa vào các “con sói đơn độc” có cảm tình với IS. Thêm nữa, lãnh thổ IS lại khó tiếp cận, trong khi làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu đã làm cho các đơn vị xử lý thông tin tình báo của phương Tây bị quá tải.

IS thể hiện rất rõ ý đồ chính trị trong cách chọn thời điểm và địa điểm gây án, vừa để nắn gân chính phủ Pháp và các nước phương Tây, vừa để “thử” thái độ của thế giới.

Vượt giới hạn

Tuy nhiên đây cũng là động thái ngoài “thông lệ” của IS, vượt qua “truyền thống” của IS bấy lâu nay.

IS vốn tự hào khác biệt với al-Qaeda ở chỗ IS muốn chiếm lãnh thổ, xây dựng vương quốc Hồi giáo Caliphate, thiết lập và vận hành một “nhà nước” chứ không hoạt động theo kiểu giang hồ, nay đây mai đó của al-Qaeda.

Tổng thống Pháp Hollande đã rất tức giận trước loạt vụ thảm sát ở Paris vào tối 13/11. Ảnh: Getty.

Loạt tấn công khủng bố xuất hiện trong bối cảnh liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích IS khá dai dẳng hơn một năm qua, còn Nga thì vừa tung nhiều đòn trời giáng nhằm vào IS trong hơn một tháng qua.

Trên thực địa, tuy chưa phải là cơ bản, nhưng quân IS bị đẩy lùi ở không ít mặt trận, lãnh thổ do chúng kiểm soát bắt đầu bị thu hẹp nhất định. Trong khi đó, trên trường quốc tế chúng không ngừng bị lên án và cô lập.

Nhân tố Nga tỏ ra rất năng động trong thời gian qua. Họ đã tranh thủ được chính phủ và nhân dân Syria, ghi điểm với chính châu Âu, bày tỏ thiện chí hợp tác với cả phe đối lập Syria, khiến IS càng thêm cô lập. Nga cũng liên kết chặt với Syria, Iraq, và Iran để lập trung tâm tình báo liên hợp về IS. Những đòn đánh IS của Nga là bài bản, toàn diện, có tính hệ thống.

Thực tế đó đã gây áp lực lớn lên IS, bước đầu đẩy chúng vào thế suy yếu và cùng quẫn, khiến chúng bắt đầu phải trông cậy nhiều vào các biện pháp khủng bố dã man, chứ không dừng lại ở các hoạt động quân sự theo lối chính quy hoặc du kích.

Khủng bố vốn là chiến thuật của những kẻ yếu thế trong cuộc chiến bất đối xứng với kẻ mạnh hơn. Kẻ khủng bố ở trong bóng tối nên nắm được thế chủ động, giúp chúng bù lại phần nào thế yếu về vũ khí và nhân lực. Vì đánh vào các mục tiêu phi quân sự nên thường dễ hành động và dễ đạt mục tiêu “lấy ít diệt nhiều” và gây hoang mang cho đối thủ.

Không phải tranh cãi gì nữa, hành động của IS ở Paris vừa qua về bản chất là khủng bố, là hành vi xấu trong con mắt của đa phần thế giới hiện này. Đây dứt khoát không phải là cuộc chiến của các chiến sĩ du kích chống lại đội quân nhà nghề của kẻ xâm lược hay các chế độ áp bức.

IS sẽ không “thọ” lâu?

Với hành động bạo tàn nhằm vào những người vô tội đó, một mặt IS gây choáng váng cho Pháp và phương Tây, có thể khiến những người yếu tim sợ hãi, mặt khác IS cũng tự tạo ra các “phản lực” mạnh có khả năng xóa sổ sự tồn tại của chính chúng.

Tổng thống Mỹ Obama (trái) trao đổi với Tổng thống Nga Putin (phải) về vấn đề IS bên lề một phiên họp của hội nghị G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/11. Ảnh: AP.

Thứ nhất, xét về nét đặc trưng của IS trước đây (nặng về xây dựng lãnh thổ và nhà nước) thì IS đã bắt đầu đi trệch khỏi “bản sắc” mà chúng tự gây dựng bấy lâu nay. Nếu cứ đà khủng bố như thế này, IS sẽ lại đi vào lối mòn của bao nhóm khủng bố khác. Do vậy tự bản thân việc chuyển hướng trong chiến lược như vậy đã là một thất bại của IS.

Thứ hai, IS đánh vỗ mặt vào Pháp đồng nghĩa với đánh vào lòng tự trọng của một nước lớn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên Pháp sẽ không dễ bỏ qua. Pháp có thể choáng váng nhưng không hề run sợ. Ngược lại họ càng tức giận và nâng thái độ chống IS lên mức cao hơn: Thề tận diệt IS. Trước mắt, Pháp đã đáp trả nhanh chóng bằng những cuộc ném bom dồn dập vào Raqqa, thủ đô trên thực tế của IS.

Thứ ba, trên bình diện thế giới, điều dễ thấy là khó tìm được tiếng nói đồng cảm với IS. Khắp nơi chỉ thấy sự phẫn nộ, phản đối, và căm ghét dành cho IS. Thế giới thêm đoàn kết với nước Pháp và nhân dân Pháp sau thảm kịch 13/11.

Trong khi đó, các lực lượng chống IS càng xích lại gần nhau hơn. Đáng lưu ý là thái độ của Mỹ. Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris tựa như chất xúc tác hối thúc Tổng thống Mỹ Obama bắt tay với người đồng cấp Nga Putin, chấp nhận tạm gác qua một bên các hiềm khích để bàn thảo về triển vọng chống IS. Việc bắt tay giữa 2 cường quốc Mỹ và Nga chắc chắn sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ cho cuộc chiến chống IS.

Bi kịch 13/11 đã khiến thế giới chú ý nhiều hơn đến các quan điểm của Nga trong vấn đề IS và Syria, rằng thế giới cần phải đoàn kết lại và xây dựng một mặt trận thống nhất chống IS.

Bên cạnh đó, tình báo phương Tây sau cú bất ngờ vừa qua có thể sẽ “bớt chủ quan khinh địch” và không tạo thêm kẽ hở để IS gây bất ngờ.

Kịch bản sắp tới có thể là, IS sẽ bị giội bom nhiều hơn với độ chính xác cao hơn. Dư luận thế giới (nhất là phương Tây) sau cuộc khủng bố đẫm máu vừa qua rất thuận lợi cho các ý đồ triển khai bộ binh ở Syria và Iraq để tiễu trừ tận gốc IS trên thực địa. Nếu phương Tây vượt qua nỗi e ngại về nguy cơ sa lầy của lục quân, thì việc triển khai này sẽ tạo ra bước ngoặt căn bản trong cuộc chiến chống IS.

Lần này, nếu nhận được sự phê chuẩn của Liên Hợp Quốc và sự đồng ý của Syria thì một sự can thiệp như thế của liên quân trên bộ (để tiêu diệt IS) sẽ hoàn toàn chính nghĩa và được hoan nghênh, khác hẳn với các trường hợp can thiệp gây tranh cãi vào năm 2003 ở Iraq và Afghanistan.

Tất nhiên khu vực Syria-Iraq có thể chưa chắc sẽ yên ổn sau khi IS đã bị “lật đổ”. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác./.