Tranh cãi chính trị trong nước

Thứ Ba, ngày cuối cùng của quốc tang tưởng niệm các nạn nhân, Quốc hội Pháp chứng kiến một cảnh tượng hỗn độn. Các chính trị gia đến từ các đảng đối lập liên tục huýt sáo, chế giễu khi các thành viên chính phủ, như Thủ tướng Manuel Valls hay Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira, đăng đàn phát biểu.

Nguyên nhân chỉ có một: sự thất bại của chính phủ trong việc ngăn chặn các hành động khủng bố.

paris_3_ojay.jpg
Người dân tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ở Paris (Ảnh: EFE).

Cảnh tượng này trái ngược hoàn toàn với không khí tương đối đoàn kết khi 925 nghị sĩ quốc hội và thượng nghị sĩ Pháp tập trung tại lâu đài Versailles để nghe bài phát biểu dài 37 phút của Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm thứ Hai. Trong ngày đó, tất cả các đại diện cao nhất của nền cộng hòa Pháp đều đã vỗ tay hưởng ứng ông Hollande.

Tuy nhiên, mọi việc không đơn giản khi đi vào thực tế. Những đề xuất mà Tổng thống Hollande bắt đầu gây tranh cãi.

Tổng thống Pháp đề xuất sửa đổi Hiến Pháp

Đáng chú ý nhất là đề xuất của ông Hollande về việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là ở hai điều 36 và điều 16. Điều 36 quy định về tình trạng khẩn cấp, theo đó trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến an ninh quốc gia, quyền lực sẽ được chuyển giao một phần cho quân đội. Ông Hollande muốn thay đổi điều này để tạo ra một quyền lực dân sự trong tình trạng khủng hoảng, tức không tạo ra sự gián đoạn trong các hoạt động của nhà nước mà vẫn đảm bảo có thể thực thi các biện pháp an ninh đặc biệt.

Tổng thống Pháp Hollande và nội các dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân vụ khủng bố (Ảnh Reuters).

Điều thứ 2 mà ông Hollande muốn thay đổi là điều 16 trong Hiến pháp, theo đó Tổng thống có quyền nắm mọi quyền lực một khi có những đe dọa nghiêm trọng và ngay lập tức đến các thiết chế của nền Cộng hòa, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và việc thực thi các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, các phe đối lập cho rằng, đề xuất này của ông Hollande đi quá xa và hiện tại chưa đến lúc phải thay đổi Hiến pháp. Thay vào đó, phe đối lập tập trung chỉ trích chính quyền của đảng Xã hội đã bất lực trong việc đảm bảo an ninh.

Kế hoạch của Tổng thống Hollande về việc tuyển thêm 5.000 cảnh sát, 2.500 nhân viên tư pháp và 1.000 hải quan được xem là “cần nhưng chưa đủ” bởi đây mới chỉ là mức nhân sự tương đương năm 2007, thời điểm mà các đời chính phủ Pháp bắt đầu cắt ngân sách của quân đội và cảnh sát.

Ngoài ra, còn có không ít những lo ngại về việc để kế hoạch này được thực thi, chắc chắn Pháp sẽ phải bội chi và không thực hiện được việc giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP như đã cam kết với Liên minh châu Âu.

Ngoài những điều trên, chính quyền của ông Hollande còn phải thực hiện một cam kết khó khăn khác của ông Hollande về việc tước bỏ quốc tịch đối với các công dân đi theo trào lưu cực đoan, hoặc những người bỏ sang Irak và Syria để gia nhập các trại huấn luyện khủng bố. Để làm điều này, giống nước Anh sau vụ khủng bố năm 2005, chính quyền của ông Hollande phải vận động thay đổi một loạt bộ luật.

Bước ngoặt về chính sách đối với Syria và cuộc chiến chống khủng bố

Một bước ngoặt lớn nữa cũng đến từ chính sách đối ngoại của Pháp trong vấn đề Syria và việc đẩy mạnh liên minh chống IS. Từ trước đến nay, Pháp luôn là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc duy trì quyền lực cho ông Bachar Al-Assad ở Syria nhưng trước yêu cầu cần có sự trợ giúp từ nhiều nước, Pháp đang có dấu hiệu thay đổi.

Tổng thống Pháp, Francois Hollande cho biết tuần tới ông sẽ công du để gặp Tổng thống Mỹ, Barack Obama và đặc biệt là Tổng thống Nga, Vladimir Putin. Nếu cuộc gặp với phía Mỹ được xem là không bất ngờ bởi Pháp cần sự trợ giúp lớn từ phía Mỹ tại Syria thì việc ông Hollande gặp ông Putin hứa hẹn sẽ tạo ra bước ngoặt trong hồ sơ Syria.

Pháp có thể phải nhượng bộ trong vấn đề về Tổng thống Syria

Theo nhiều nhà phân tích, nhiều khả năng Pháp sẽ phải nhượng bộ trong vấn đề về Tổng thống Bachar Al-Assad, bởi Nga là nước bảo trợ chính cho Tổng thống Syria và Moscow từ trước đến nay luôn khẳng định điều quan trọng nhất ở Syria là lập một liên minh rộng lớn tiêu diệt IS, sau đó mới bàn đến các kịch bản chính trị và số phận của ông Al-Assad. Trong khi đó, Pháp vốn luôn cho rằng mọi hành động của các nước ở Syria phải bắt đầu trước hết từ việc ra đi của ông Bachar Al-Assad.

Nước Pháp đau buồn nhưng không gục ngã 

Với nguồn lực hạn chế trong bối cảnh phải chịu nhiều sức ép từ dư luận trong nước về việc trừng phạt IS, chắc chắn Pháp không thể không cần đến sự trợ giúp của cả Mỹ và Nga. Khả năng lớn nhất, như nhiều nhà phân tích, đó là Pháp sẽ đứng ra làm cầu nối để Mỹ và Nga ngồi lại cùng nhau để lập ra một liên minh duy nhất, phối hợp các hành động trong chiến dịch tiêu diệt IS.

Nếu điều này diễn ra, đó không chỉ là bước ngoặt đối với Pháp mà còn là bước ngoặt trên bàn cờ chính trị thế giới bởi một khi Nga và các nước phương Tây đã chung chiến hào tiêu diệt IS thì chắc chắn mối quan hệ đóng băng giữa hai bên trong thời gian qua, hậu quả của cuộc khủng hoảng Ukraina, sẽ sớm được phá vỡ.

Bước ngoặt về trợ giúp quân sự trong nội khối EU?

Với Liên minh châu Âu, những thay đổi chính sách từ phía Pháp cũng có thể sẽ tạo ra các bước ngoặt lớn. Pháp đã chính thức yêu cầu các nước thuộc EU trợ giúp quân sự cho cuộc chiến chống khủng bố, dựa theo một điều trong Hiệp ước châu Âu. Nếu các thành viên EU đáp ứng lời kêu gọi này của Paris, khối này sẽ tiến một bước đáng kể trong việc hành động như một thực thể chính trị và quân sự đồng nhất. Ngược lại, nếu phớt lờ lời kêu gọi của Pháp, rất có thể EU sẽ phải đối mặt với những nghi ngờ về giá trị tồn tại của tổ chức này.

Ở bất cứ khía cạnh nào, vụ khủng bố 13/11 tại Paris đã đặt cả nước Pháp lẫn châu lục trước một bước ngoặt vô cùng khó lường./.