1. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Angela Merkel, cuộc họp khẩn cấp về an ninh ngày 23/7 có sự tham dự của Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere, Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen và người đứng đầu phủ Thủ tướng Peter Altmaier. 

angela_merkel_3548542c_ppxc.jpg
Thủ tướng Angela Merkel. (ảnh: Telegraph),

Ông Altmaier, một trong những cố vấn đáng tin cậy nhất của bà Merkel, nói với các phóng viên rằng, mục đích của cuộc họp là nhằm thu thập tất cả các thông tin đã có để tìm ra những biện pháp phù hợp với tình hình hiện tại.

Nội các bang Bavarian (nơi xảy ra vụ xả súng) cũng dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào cùng ngày.

Được biết, vụ xả súng ngày 22/7 ở Munich, thành phố lớn thứ ba của Đức, đã khiến nhiều người dân nước này nổi giận với Thủ tướng Angela Merkel. Họ cho rằng chính sách người nhập cư của bà Merkel đã mở đường cho tấn thảm kịch này. 

10 người đã thiệt mạng sau vụ xả súng bao gồm cả hung thủ và 21 người khác bị thương trong vụ xả súng kinh hoàng nói trên. Trong số các nạn nhân, có nhiều thi thể là các thanh thiếu niên. 

Thủ phạm vụ xả súng được xác định là một thanh niên 18 tuổi, gốc Iran, đã ở Đức được 2 năm. Theo lời các nhân chứng, hung thủ vụ xả súng đã kêu lên “Allahu Akbar” khi tiến hành tấn công. 

Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Bỉ, Mỹ đã đồng loạt lên án vụ xả súng; đồng thời cam kết sẽ đồng hành cùng Đức để chống lại các vụ khủng bố và mối đe dọa về an ninh. 

2. Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN AMM-49 và các Hội nghị liên quan, sáng 23/7 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở thủ đô Vientiane, Lào khai mạc cuộc họp SOM EAS để chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Đông Á diễn ra vào ngày 26/7 và trao đổi về một số ưu tiên trong các khuôn khổ hợp tác này. 

Các đại biểu dự phiên họp SOM EAS. 

Ông Alounkeo Kittikhoun, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, Trưởng SOM Lào, Bộ trưởng, tiếp tục chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp SOM EAS, 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn độ, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ) đánh giá lại tiến trình tổ chức triển khai kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh EAS lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 11/2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia nhất là tuyên bố chung Kuala Lumpur về việc thành lập EAS tròn 10 năm và việc tổ chức thực hiện các nội dung chương trình với 6 lĩnh vực ưu tiên như: tài chính, năng lượng và môi trường, giáo dục, vấn đề sức khỏe và dịch bệnh, công tác quản lý thiên tai và kết nối ASEAN. 

3. Phát biểu với báo giới tại Vienna, Áo ngày 22/7, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết sẽ họp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề các cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Vientiane, Lào. 

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết 2 bên sẽ bàn thảo về kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường hợp tác quân sự song phương và chia sẻ thông tin tình báo về Syria. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: AP).

Theo quan chức này, hiện Tổng thống Mỹ Barack Obama đang muốn xem liệu Nga có sẵn sàng thực hiện lời hứa đã đưa ra hồi tuần trước hay không. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tiết lộ ông và ông Lavrov dự kiến thảo luận về các giải pháp củng cố lệnh ngừng bắn tại Syria trong cuộc gặp sắp tới. 

4.  Quân đội Nigeria vừa thông báo có 19 quân nhân mất tích sau khi các phần tử của nhóm khủng bố Boko Haram tiến hành phục kích ở Borno. Những người mất tích được cho là đang bị nhóm cực đoan Boko Haram bắt giữ. 

Quân đội Nigeria. (ảnh: getty).

Giới chức quân đội Nigeria cho biết, cuộc phục kích xảy ra hôm 21/7vừa qua, khiến ít nhất 3 sĩ quan và 16 binh sĩ trong quân đội mất tích, gần 20 người khác bị thương.

Vụ việc xảy ra chỉ 3 ngày sau khi quân đội Nigeria phát động chiến dịch truy quét quy mô lớn tại tỉnh xa xôi hẻo lánh này, tiêu diệt ít nhất 42 phần tử khủng bố, giải cứu 42 trẻ em và 38 phụ nữ bị Boko Haram bắt cóc tại làng Gangere.

5. Quân đội Ấn Độ đang phát động chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn chiếc máy bay của lực lượng này mất tích trên vịnh Bengal ngày 22/7. Máy bay AN-32 của không quân Ấn Độ mất tích khi đang bay từ Chennai đến Port Blair, thủ phủ Quần đảo Andaman và Nicobar. 

Máy bay AN-32 của không quân Ấn Độ. (ảnh: indiatoday.intoday.in). 

Máy bay chở 29 người, phần lớn là quân nhân. Giới chức Ấn Độ thông báo họ mất liên lạc chỉ khoảng 15 phút sau khi chiếc máy bay cất cánh. Máy bay có thiết bị định vị khẩn cấp, sẽ tự kích hoạt nếu gặp tai nạn. 

Ngay sau khi nhận được tin báo, một lực lượng hỗn hợp gồm hải quân, không quân và tuần duyên Ấn Độ đã được huy động tìm kiếm tại khu vực ở vịnh Bengal nằm trên đường bay của máy bay mất tích.

Lực lượng hải quân triển khai 2 máy bay tuần tra trên biển Pi8, 2 máy bay đa dụng Dornier, 12 tàu cùng nhiều trực thăng tham gia hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay vận tải của không quân Ấn Độ AN-32.

Trong khi đó, lực lượng không quân nước này cũng huy động một máy bay C130 cùng 2 máy bay AN32 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm trên biển./.