“Nước Đức đối mặt với khủng bố”. Đó là tiêu đề bình luận trên trang tin điện tử của kênh truyền Đức DW ngay sau khi xảy ra vụ xả súng ở trung tâm mua sắm đông người Olympia tối 22/7 làm 10 người thiệt mạng, trong đó có cả hung thủ và hơn 20 người bị thương. 

xasung15_ylco.jpg
Người dân chạy trốn khi nghe thấy tiếng súng vang lên. (ảnh: Twitter).

Đến nay mặc dù chưa rõ động cơ của hung thủ và chưa xác minh được liệu hắn có phải là một tay súng thánh chiến hay không, song nước Đức đang phải đối mặt với một sự “khủng bố” về mặt tinh thần, gây bàng hoàng, khiếp sợ và làm rúng động đến tận cốt lõi của cường quốc đứng đầu châu Âu. 

Cảnh sát thành phố Munich ngày 23/7 cho biết, đối tượng gây ra vụ xả súng ở trung tâm mua sắm đông người Olympia là một thanh niên 18 tuổi, mang quốc tịch Đức gốc Iran. Cũng theo thông báo của cảnh sát, kẻ tấn công có vẻ hành động một mình. Ba người đàn ông bỏ chạy tại hiện trường sau đó được xác định không liên quan.

Phía cảnh sát cho rằng, có thể đây là một vụ khủng bố, nhưng chưa thể xác định được ngay có mối liên hệ nào với Hồi giáo cực đoan hay không. Cảnh sát trưởng Munich, Hubertus Andrae cho biết: “Dựa theo kết quả điều tra hiện thời, nghi phạm là một người đàn ông quốc tịch Đức gốc Iran sống ở Munich”.

Cảnh sát Munich đã huy động khoảng 2.300 nhân viên thực thi pháp luật để đối phó với vụ tấn công này. Các cơ quan chức năng Đức đã mở cổng tốc độ đường truyền cao để các nhân chứng có thể cung cấp các hình ảnh, video hoặc thông tin có thể phục vụ công tác nhận dạng và xác định đối tượng khủng bố. Cho tới lúc này đã có trên 100 nhân chứng cung cấp thông tin cho nhà chức trách. 

Trong khi đó, hệ thống các phương tiện giao thông tại Munich đã hoạt động trở lại bình thường. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas De Maiziere đang trên đường tới Munich để tìm hiểu và giải quyết tình hình.

Ngay sau vụ tấn công, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố nước Anh sẵn sàng trợ giúp Đức trong cuộc điều tra về vụ khủng bố, đồng thời kêu gọi công dân Anh tại khu vực Munich không nên ra đường vào thời điểm này.

Trong khi đó, trên mạng Twitter của mình, tối 22/7, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố ông cảm thấy vô cùng bàng hoàng trước vụ tấn công tại thành phố Munich của Đức. Người đứng đầu Chính phủ Bỉ lên án vụ tấn công này là “hèn hạ”, được thực hiện nhằm vào những người dân vô tội. Trước đó, Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cũng yêu cầu công dân Bỉ đang có mặt tại Munich hãy ở trong nhà và tránh các địa điểm công cộng, đồng thời tuân thủ mọi chỉ dẫn của cảnh sát.

Đã có những suy đoán cho rằng đây là một vụ khủng bố dù cơ quan chức năng chưa kết luận điều này. Nhà báo kỳ cựu của kênh truyền hình Đức DW, ông Christoph Strack nhận định, “đối với những ai phải chứng kiến vụ tấn công này, không nghi ngờ gì về việc đó là một vụ khủng bố” mà ở đây là nỗi sợ hãi đã lan đến những thành phố của nước Đức.

Nhà báo của DW cho rằng, nỗi sợ hãi này cũng giống như cảm giác của người Pháp sau vụ tấn công ở Nice hôm 14/7 hay người dân Na Uy sau cuộc thảm sát ở Oslo và trên đảo Utoya cách đây 4 năm. Theo ông, nó đang làm dấy lên những câu hỏi rằng, sự thù hằn của hung thủ đến từ đâu và dù chưa rõ câu trả lời nhưng chắc chắn nó sẽ là những nguyên nhân khó chấp nhận. Giờ đây, người Đức sẽ phải đối mặt với thực tế mới là, các vụ tấn công khủng bố không chỉ diễn ra ở nước ngoài, ở Pháp, Bỉ, Tunisia, Mỹ, Anh hay Thổ Nhĩ Kỳ mà chính ngay trong lòng nước Đức./.