1. Sáng nay theo giờ Việt Nam Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành cuộc họp khẩn, thảo luận các biện pháp đối phó vụ CHDCND Triều Tiên tuyên bố tiến hành vụ thử bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H). Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới này của Triều Tiên và khẳng định đây là hành động vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng như cơ chế không phổ biến hạt nhân, coi hành động này là mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

korea_ucwn.jpg
Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục là đề tài nóng được cộng đồng quốc tế quan tâm (Ảnh: Getty)

Trong một diễn biến có liên quan, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 7/1 đưa tin, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Park Geun-hye và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm trong đó lên án hành động “liều lĩnh” của Triều Tiên; đồng thời nhất trí thúc đẩy các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vụ thử hạt nhân lần thứ tư của nước này.

Bên cạnh đó, hai lãnh đạo Mỹ - Hàn cũng nhất trí duy trì hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc trong việc đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. 

Trước đó, Yonhap cũng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Han Min-koo cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng khẳng định “cam kết sắt đá” của Washington bảo vệ Seoul bằng mọi phương tiện trước mối đe dọa hạt nhân từ phía CHDCND Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cũng chia sẻ quan điểm rằng, Triều Tiên sẽ không được cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia sở hữu các khả năng hạt nhân hợp pháp; đồng thời cảnh báo “Triều Tiên có thể phải trả giá thích đáng vì động thái khiêu khích” của nước này.

2. Campuchia hôm nay long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 37 ngày chiến thắng lịch sử 7/1/1979 lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đem lại sự hồi sinh và phát triển của đất nước Campuchia. 

Tham dự buổi lễ có khoảng 10.000 người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân Campuchia, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư và đại diện Đại sứ quán các nước. 

Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen nêu rõ, chiến thắng 7/1/1979 với sự giúp đỡ tận tình, kịp thời của quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot tàn bạo, khép lại trang sử thời kỳ đen tối nhất và mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, sự thật lịch sử đã chứng minh quân tình nguyện Việt Nam có mặt tại Campuchia là để đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết cứu nước Campuchia -một tổ chức hợp pháp duy nhất, đại diện ý chí của nhân dân Campuchia lúc bấy giờ. Chiến thắng đó là tiền đề cho sự thay đổi và phát triển ngày nay của Vương quốc Campuchia.

Trong suốt 37 năm qua, dưới sự lãnh đạo của đảng Nhân dân và Chính phủ Hoàng gia Campuchia, đất nước Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là về kinh tế. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trong những năm qua đạt khoảng 7%; đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế Campuchia sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững mạnh và có thể đạt khoảng 7,2% trong năm nay.

3.Rạng sáng nay, quân đội Ai Cập mở một đợt tấn công bất ngờ, quy mô lớn, nhằm vào phiến quân khủng bố tại miền Bắc bán đảo Sinai, tiêu diệt 35 tay súng và bắt giữ 15 người khác. Cuộc tấn công nằm trong tổng thể của chiến dịch “Quyền của người tử vì đạo” được quân đội Ai Cập triển khai trong nhiều tháng qua.

Thời gian qua, quân đội Ai Cập tiếp tục tiến hành nhiều đợt truy quét khủng bố trên toàn bán đảo Sinai (Ảnh: Getty)

Trong đợt tấn công, lực lượng an ninh Ai Cập cũng thu giữ được hơn 300 kg thuốc nổ TNT, nhiều vũ khí và đạn dược từ lực lượng phiến quân. Điều đáng chú ý‎, quân đội đã phát hiện và tiêu hủy hơn 2.000 kg chất gây nghiện do các tay súng phiến quân sở hữu và sử dụng.

Thời gian qua, quân đội Ai Cập tiếp tục tiến hành nhiều đợt truy quét khủng bố trên toàn bán đảo Sinai – đây là nơi các tay súng phiến quân “tiểu vương Sinai” – tổ chức từng tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng hoạt động mạnh.

4.Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà muốn giảm lượng người nhập cư vào Liên minh châu Âu EU, song vẫn muốn duy trì các đường biên giới mở trong nội khối.

Người tị nạn tại ga tàu ở thành phố Munich, Đức. (Ảnh: EPA)

Theo bà Merkel, điều quan trọng hiện nay là đạt được một giải pháp vừa giúp giảm đáng kể số người nhập cư mà vẫn bảo vệ được quy tắc về tự do đi lại của  Liên minh châu Âu. Tuyên bố này được xem là đi ngược lại những tuyên bố trước đây của bà Merkel khi cam kết không đặthạn ngạch về số người nhập cưvào Đức và chấp nhận khoảng 1 triệu người tị nạn từ Syria, Iraq và Afghanistan trong năm 2015. Tuy nhiên, chính sách này của Thủ tướng Đức đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước khi số người nhập cư vào nước này tăng đột biến.

Đức hiện là điểm đến hàng đầu của những người nhập cư từ Trung Đông và Bắc Phi. Theo các số liệu thống kê mới nhất, năm 2015, nước này đã phải tiếp nhận tới gần 1,1 triệu người tị nạn, một con số cao kỷ lục.

5.Theo kết quả một cuộc khảo sát do hãng ORB International công bố hôm nay, người dân Anh đang ngày càng ủng hộ việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu EU. Ngoại trừ những người chưa quyết định, thì 54% người dân Anh muốn rời khỏi Liên minh châu Âu.

Theo kết quả  khảo sát của ORB International, 54% người dân Anh muốn rời khỏi EU. (Ảnh: DW)

Kết quả khảo sát tại Anh ngược lại hoàn toàn với kết quả khảo sát người dân ở 14 nước Liên minh châu Âu khác cũng do ORB International tiến hành. Khoảng 64% số người được hỏi trong các 14 cuộc khảo sát này cho biết họ muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Anh David Cameron hiện đang tìm kiếm sự thay đổi các điều khoản về vai trò của Anh trong khối Liên minh châu Âu. Ông cũng tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên EU của Anh vào cuối năm 2017.