1.Lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu ngày 2/1 cho biết, các cuộc phản công này diễn ra chỉ vài ngày sau khi lực lượng an ninh Iraq buộc chúng phải rút lui khỏi khu vực trung tâm thành phố.

ramadi_cyjf.jpg
Lực lượng an ninh Iraq có mặt tại Ramadi đã dập tắt các cuộc phản công của IS. Ảnh AP

“Phần lớn phiến quân IS tập trung ở khu vực phía Bắc và phía Tây Ramadi và cho đến nay, quân Chính phủ Iraq vẫn thành công trong việc dập tắt các đợt phản công của chúng”, người phát ngôn liên quân, Đại tá Steve Warren cho biết.

Cũng theo ông Warren: “Chúng tôi nhận thấy, IS không đủ đông cũng như đủ mạnh để đẩy lùi binh sĩ Iraq ra khỏi vị trí chiến đấu của họ”.

Trước đó, quân đội Iraq cho biết, trong ngày 1/1, IS đã tiến hành nhiều đợt tấn công liều chết nhằm vào họ tại khu vực ngoại ô Ramadi.

Chuẩn tướng quân đội Iraq Ahmed al-Belawi ngày 2/1 cho biết, IS đã thực hiện 7 vụ đánh bom xe nhằm vào các binh sĩ Iraq tại 2 vị trí ở ngoại ô Ramadi.

Cũng theo ông Belawi, các cuộc tấn công này đã gây thương vong cho binh sĩ Iraq, tuy nhiên, họ vẫn thành công trong việc đẩy lui IS và không bị mất đất vào tay chúng.

2.Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã trở nên cẳng thẳng sau khi Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr.

Hai nước đã triệu đại diện ngoại giao của nhau để phản đối xung quanh vụ việc này. Các nước có phần đông người Hồi giáo theo dòng Shiite trong khu vực, cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã lên tiếng phản đối vụ xử tử này.

Đại sứ quán Saudi Arabia tại Iran bị đốt phá sau vụ Chính phủ nước này tuyên bố xử tử Giáo sĩ al-Nimr. Ảnh Reuters

Truyền hình nhà nước Iran ngày 2/1 đưa tin, Chính phủ nước này đã triệu Đại biện lâm thời Saudi Arabia tại Tehran để phản đối vụ Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ al-Nimr - nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia, nơi cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số lên tiếng bày tỏ sự bất mãn vì bị chính quyền cách ly.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari cáo buộc Chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ khủng bố và các phần tử cực đoan Takfiri, trong khi lại hành quyết những người bất đồng.

Trong một động thái đáp trả, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo đã triệu Đại sứ Iran tại Riyadh để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những tuyên bố "thù địch" của Iran về vụ Vương quốc này hành quyết Giáo sĩ al-Nimr.

Hãng tin nhà nước SPA dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, bộ này "đã trao cho Đại sứ Iran công hàm phản đối mạnh mẽ tuyên bố hung hăng của Iran về bản án được thực thi ngày 2/1 đối với các phần tử khủng bố ở Saudi Arabia".

3.Tài liệu về “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Nga đã lần đầu tiên liệt Mỹ vào “một trong những mối đe dọa” đối với nước này.

Reuters ngày 2/1 cho biết, tài liệu này được Tổng thống Nga Putin ký vào đêm 31/12/2015 và thay thế cho tài liệu năm 2009 mà Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev ký, trong đó không hề coi Mỹ hay NATO là “mối đe dọa an ninh” đối với Nga.

Tổng thống Nga Putin. Ảnh AP

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia của mình, Nga khẳng định, việc theo đuổi một chính sách “trong nước và quốc tế độc lập” đã “gây ra những phản ứng trái chiều từ Mỹ và đồng minh, vốn luôn muốn duy trì vị thế thống trị của mình đối với các vấn đề trên toàn cầu”.

Điều này đã dẫn đến “những áp lực về chính trị, kinh tế, quân sự và thông tin” lên phía Nga.

Tài liệu về “Chiến lược An ninh Quốc gia” của Nga khẳng định, Mỹ và EU đã đứng đằng sau vụ “đảo chính vi hiến tại Ukraine” gây ra bất đồng sâu sắc trong xã hội Ukraine dẫn đến xung đột quân sự.

Tài liệu này cũng coi việc NATO mở rộng ra phía Đông là mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Nga và khẳng định, Mỹ đã mở rộng mạng lưới các phòng thí nghiệm về quân sự- sinh học tại nhiều nước láng giềng của Nga.

4.Sau 14 giờ đọ súng quyết liệt, vụ tấn công vào căn cứ không quân Pathankot ở Punjab, Bắc Ấn Độ đã chấm dứt khi toàn bộ các tay súng đã bị tiêu diệt.

Ít nhất 4 nhân viên lực lượng Không quân Ấn Độ và một nhân viên an ninh đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Hiện trường vụ tấn công căn cứ Không quân Pathankot. Ảnh Reuters

Trước đó, tình trạng báo động cao đã được ban bố dọc đường cao tốc Pathankot - Jammu, sau vụ tấn công vào căn cứ không quân ở bang Punjab.

Các nguồn tin quân sự cho biết lực lượng Lục quân đã được triển khai tới đường cao tốc này để đảm bảo không phiến quân nào có thể xâm nhập vào Jammu và Kashmir.

Một quan chức cảnh sát cấp cao ở thủ phủ miền Đông Jammu cho hay tình trạng báo động cao đã được tăng cường ở một số khu vực thuộc bang Jammu và Kashmir.

Theo tuyên bố của Không quân Ấn Độ, các tay súng đã xâm nhập vào khu vực nhà ở của căn cứ không quân Pathankot, cách thủ đô New Delhi khoảng 430 km về phía Bắc vào sáng 2/1 song đã không thể tiến vào khu vực có trực thăng tấn công và các thiết bị khác.

5.  Vatican đã bắt đầu thực thi thỏa thuận đã ký với Palestine hồi tháng 6/2015, trong đó chính thức công nhận Palestine là một quốc gia.

Thỏa thuận giữa Tòa thánh Vatican và nhà nước Palestine đã được ký kết hồi tháng 6/2015 là thỏa thuận đầu tiên giữa hai bên, nhằm chấm dứt các cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đẩy nhanh tiến trình hòa bình Trung Đông với việc ủng hộ một giải pháp hai quốc gia độc lập.

Tổng thống Palestine Abbas diện kiến Giáo hoàng Francis. Ảnh AP

Thỏa thuận này cũng bao gồm các vấn đề liên quan đến đời sống tôn giáo của những tín đồ Kitô giáo đang sinh sống trên lãnh thổ của Palestine.

Trên thực tế, Tòa Thánh Vatican đã coi Palestine là một nhà nước từ năm 2013 và đây chỉ là tuyên bố mang tính chính thức hóa việc công nhận.

Từ tháng 2/2013, Vatican đã sử dụng cụm từ Nhà nước Palestine trong các văn kiện chính thức của mình, sau khi Liên Hợp Quốc công nhận Palestine là một “nhà nước quan sát viên phi thành viên” tháng 11/2012./.