1.Yonhap dẫn thông tin từ phía Triều Tiên cho biết, nước này sắp “ra một tuyên bố quan trọng” vào lúc 12h30 (giờ Seoul).

Trước đó, cùng ngày, Hàn Quốc tuyên bố, Triều Tiên đã thực hiện một vụ thử hạt nhân vào lúc 6h30 sáng (giờ Seoul) gây ra động đất tại Triều Tiên.

kim_jong_un_azhq.jpg
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký văn bản liên quan đến vụ thử bom khinh khí của nước này ngày 6/1. Ảnh Reuters

Chính phủ Hàn Quốc đã ngay lập tức tiến hành họp khẩn cấp sau vụ việc này.

Giới chức tình báo Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên không thông báo trước với Mỹ hay Trung Quốc về kế hoạch tiến hành vụ thử bom khinh khí nói trên.

Cơ quan khí tượng thủy văn Hàn Quốc cho biết, trận động đất này là do “các yếu tố phi tự nhiên gây ra”.

Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, trận động đất 5,1 độ Richter này có tâm chấn ở Pekam thuộc tỉnh Yangkang của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang thu thập thông tin về trận động đất này.

Nhật Bản cũng đồng tình với những thông tin mà Hàn Quốc và Mỹ đưa ra và cho biết, nhiều khả năng vụ thử bom khinh khí của Triều Tiên đã gây ra trận động đất nói trên.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Từ những gì mà chúng tôi trải qua trước đây, chúng tôi cho rằng có khả năng Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử bom hạt nhân”.

2.NATO ngày 5/1 đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Nga trong Chiến lược An ninh Quốc gia, theo đó coi Mỹ và NATO là mối de dọa chính.

RT dẫn lời người phát ngôn NATO Oana Lungescu ngày 5/1 tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ rằng, các chính sách của NATO gây ra mối đe dọa về an ninh cho Moscow”.

Bà Lungescu nhấn mạnh: “Sự mở rộng của NATO không nhằm đe dọa bất kỳ nước nào” và “mỗi quốc gia đều có quyền lựa chọn tham gia một hiệp ước hoặc một liên minh với các nước khác để bảo vệ chủ quyền của mình”.

Các máy bay NATO trong một cuộc tập trận gần biên giới với Nga. Ảnh RT

Cũng theo người phát ngôn Lungescu, NATO đang nghiên cứu Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga trong đó coi việc NATO mở rộng lãnh thổ sang khu vực biên giới với Nga là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng.

Tài liệu của Nga nêu rõ, việc NATO liên tục tiến hành quân sự hóa và chạy đua vũ trang tại các nước láng giềng với Nga cho thấy NATO “không tôn trọng nguyên tắc về bình đẳng và không chia rẽ về an ninh” tại các khu vực châu Âu- Đại Tây Dương, Á-Âu và châu Á- Thái Bình Dương.

3.Tờ Hyrriet- nhật báo lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ- ngày 5/1 cho biết, Hãng Hàng không giá rẻ Pegasus sẽ dừng các chuyến bay đến Nga cho đến ngày 13/1. Trong khi đó, Hãng Hàng không Onur Airways sẽ dừng các chuyến bay đến Nalchik (Nga) cho đến ngày 14/1.

Một chiếc máy bay của hãng Onur Airways. Ảnh AP

Hãng Hàng không lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines tuyên bố, họ vẫn sẽ tiếp tục các chuyến bay của mình đến Nga bởi hãng đã xin được visa cho các thành viên phi hành đoàn của mình.

Trong thông báo của mình, Hãng Pegasus cho biết: “Do đơn xin cấp visa cho các thành viên phi hành đoàn của chúng tôi không được chấp thuận. Chúng tôi buộc phải dừng các chuyến bay của mình đến Nga cho đến ngày 13/1”.

Hãng Pegasus cũng cam kết, những hành khách bị hủy chuyến sẽ được đền bù thỏa đáng.

4.Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5/1 đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch của Chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát súng đạn.

Ông Obama cho rằng, những lý do biện minh cho việc không hành động để kiểm soát súng tốt hơn đã không còn phù hợp. Tổng thống Mỹ khẳng định, quy định mới về súng đạn không nhằm tước đi vũ khí tự vệ của người dân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AP

Phát biểu tại Nhà Trắng trước những người có thân nhân thiệt mạng vì bạo lực súng đạn, ông Obama nhấn mạnh: “Chúng ta ở đây hôm nay không phải để thảo luận về những vụ xả súng gần đây mà để làm gì đó ngăn chặn những vụ việc tiếp theo. Tôi tin rằng, chúng ta có thể tìm được cách giảm số vụ bạo lực súng đạn mà vẫn phù hợp với Hiến pháp sửa đổi lần thứ hai của Mỹ”.

Trước đó, ngày 4/1, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát súng đạn mới, cụ thể tăng cường các quy định kiểm tra đối với cả người bán và mua súng.

Tổng thống Obama tin tưởng các biện pháp hành chính này có thể đứng vững trước bất kỳ thách thức pháp lý nào. Ông cũng nêu rõ các biện pháp này có thể không ngăn chặn được tất cả các vụ xả súng hay hành động bạo lực nhưng sẽ bảo vệ được tính mạng của nhiều người.

5.Iran ngày 5/1 hé lộ kho chứa tên lửa ngầm thứ 2, trong đó có Emad- loại tên lửa dẫn đường có độ chính xác cực cao.

Theo Reuters, động thái này của Iran khiến Mỹ lo ngại và cáo buộc rằng loại tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân và điều này là vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 2010.

Hình ảnh bên trong hầm chứa tên lửa mà Iran vừa tiết lộ. Ảnh Reuters

Ngoài ra, động thái này của Iran dường như là để “trêu tức” Mỹ trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt đối với Iran sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa nước này với nhóm P5+1.

Hãng thông tấn Tasnim của Iran đã đăng tải video cho thấy hầm chứa tên lửa nằm ở một khu vực đồi núi và do nhóm Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vận hành.

Đây là hầm chứa tên lửa thứ 2 mà Iran công bố sau khi nước này hé lộ hầm chứa đầu tiên hồi tháng 10.

Tại thời điểm đó, Mỹ cũng cáo buộc tên lửa Emad mà Iran thử nghiệm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và giới chức Mỹ cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả việc thử tên lửa Emad của Iran bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và các tập đoàn có liên quan đến chương trình thử nghiệm tên lửa nói trên.

Việc Iran hé lộ những hầm chứa tên lửa của mình cũng như tiến hành các vụ thử tên lửa được coi là thách thức đối với Chính phủ Mỹ./.