1. Ngày 30/3, tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã tuyên thệ nhậm chức với cam kết thực thi 4 chính sách dựa trên những chính sách của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

24h1epa_gfnq.jpg
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw (trái) và bà San Suu Kyi, Chủ tịch NLD cầm quyền trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức hôm 30/3. (Ảnh: EPA)

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Liên bang Myanmar sau khi Nội các mới tuyên thệ nhậm chức trước đó cùng ngày, Tổng thống Htin Kyaw cam kết chính phủ của ông sẽ nỗ lực vì hòa bình trên toàn quốc, hòa giải dân tộc và nâng cao mức sống của người dân, đồng thời bày tỏ sẽ kiên trì thực thi các mục tiêu chính trị.

Tân Tổng thống cũng nhấn mạnh Nội các Myanmar có trách nhiệm đáp ứng những nguyện vọng của người dân để soạn ra một bản hiến pháp phù hợp với chế độ dân chủ của nước này.

Tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mann Win Khaing Than đã công bố quyết định bổ nhiệm bà San Suu Kyi, Chủ tịch NLD cầm quyền, làm Bộ trưởng Ngoại giao; đồng thời kiêm nhiệm 3 chức vụ bộ trưởng khác gồm Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Điện lực và năng lượng.

2. Ngày 30/3, sân bay Zaventem tại thủ đô Brussels của Bỉ mở cửa trở lại sau 1 tuần xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng. Theo dự kiến, sẽ mất tới vài tháng để khôi phục hoàn toàn hoạt động tại sân bay. Sau loạt vụ tấn công kinh hoàng, chính phủ Bỉ đã thông qua các biện pháp bổ sung chống khủng bố.  

Sân bay Zaventem tại thủ đô Brussels. (Ảnh: Reuters)

Các nhân viên sân bay Zaventem– một trong những địa điểm tại thủ đô Brussels của Bỉ bị tấn công khủng bố hôm 22/3, đã đặt lại các bàn làm thủ tục tạm thời, tăng cường thêm máy quét an ninh và kiểm tra hành lý để mở cửa trở lại một khu vực nhỏ của sân bay từ ngày 30/3.

Bà Florence Muls, người phát ngôn của sân bay Zaventem cho biết: “Với tình trạng hiện tại của sân bay, chúng tôi có thể tiếp nhận khoảng 800 hành khách mỗi giờ. Con số này chỉ bằng 20-25% so với công suất bình thường của sân bay. Hiện tại, hệ thống điều hòa, máy quét của sân bay đều không hoạt động, các cửa sổ bị phá hủy… Chúng tôi sẽ có rất nhiều việc phải làm để khôi phục hoàn toàn hoạt động của sân bay”.

3. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm qua (29/3) cho biết, nếu Triều Tiên tiếp tục thúc đẩy các chương trình phát triển vũ khí của nước này, Mỹ sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp phòng vệ mà Trung Quốc không mong muốn.

Một vụ phóng rocket từ bệ phóng đa nòng của Triều Tiên. (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại Viện Brookings, ông Blinken cho rằng, Bình Nhưỡng đang tiến gần hơn tới việc sở hữu tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ. Phía Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ hợp tác hơn nữa tỏng việc giải quyết các nguy cơ từ Triều Tiên.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken cũng cho biết, nếu Trung Quốc không đưa ra đảm bảo, Mỹ sẽ thực hiện thêm các biện pháp để bảo an ninh quốc gia và cho các đối tác cùng đồng minh.

Ông cho rằng, Mỹ sẵn sàng cung cấp các thông tin kỹ thuật cho Trung Quốc về hệ thống tên lửa mà Washington đang cân nhắc triển khai ở Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, qua đó muốn đảm bảo với Bắc Kinh rằng hệ thống này không ảnh hưởng tới lợi ích chiến lược của quốc gia Đông Bắc Á này.

4. Truyền thông Pakistan hôm 29/3 đưa tin, ít nhất 5 tên khủng bố đã bị tiêu diệt và hơn 600 nghi phạm khủng bố khác bị bắt giữ trong chiến dịch truy lùng đặc biệt của các lực lượng an ninh nước này ở tỉnh Punjab sau vụ đánh bom đẫm máu tại thành phố Lahorehôm 27/3.

Các nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trương vụ đánh bom. (Ảnh: Reuters)

Kênh truyền hình Urdu TV cho biết, 5 tên khủng bố thuộc một nhóm phiến quân đã bị tiêu diệt trong hai cuộc đấu súng riêng rẽ với các lực lượng an ninh trong chiến dịch truy lùng tại Rajanpur và Muzaffargarh ở phía Nam tỉnh Punjap.

Ngoài ra, ít nhất 250 nghi phạm khủng bố đã bị bắt giữ ở Sialkot, 200 nghi phạm khủng bố bị bắt ở Gujranwala và số còn lại bị bắt ở các huyện khác.

5. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/3 cho biết dịch Ebola tại Tây Phi không còn được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp toàn cầu. 

WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola. (Ảnh: New York Times)
Ngoài ra, cơ quan này cũng khẳng định có thể kiểm soát các trường hợp nhiễm Ebola hiện nay ở những quốc gia bị ảnh hưởng.

Phát biểu trước các phóng viên, Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan cho biết: "Đại dịch Ebola tại Tây Phi không còn được coi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu".

Theo bà Magaret Chan, WHO đã chấp nhận các khuyến cáo của Ủy ban chuyên gia độc lập về việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ủy ban này cũng kêu gọi dỡ bỏ những hạn chế đi lại và hạn chế thương mại đang ảnh hưởng tới Guinea, Liberia và Sierra Leon – những nước từng bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Ebola trong năm ngoái./.