1. Tờ Kommersant của Nga ngày 28/3 cho biết, nguyên nhân khiến chiếc máy bay của Hãng hàng không Flydubai gặp nạn tại sân bay thành phố Rostov-on-Don của Nga có thể là do mâu thuẫn xảy ra trong buồng lái.

24h1tass_jxit.jpg
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của Flydubai. (Ảnh: TASS)

Theo tờ báo này, việc giải mã các dữ liệu ghi được trong hộp đen của máy bay cho thấy các phi công điều hành chiếc máy bay đã hai lần cố gắng hạ cánh bằng chế độ điều khiển tự động, song không thành công do điều kiện thời tiết xấu.

Sau đó họ đã chuyển sang chế độ điều khiển bằng tay. Tuy nhiên trong quá trình này, giữa các phi công đã xảy ra mâu thuẫn do họ không nắm được đầy đủ đặc tính của máy bay Boeing 737-800, đặc biệt là việc chuyển từ chế độ hạ cánh sang lên thẳng.

Trong khi phi công chính tiếp tục điều khiển chiếc máy bay bay lên cao và đẩy nhanh tốc độ của máy bay thì phi công phụ lại cố gắng ngăn cản quá trình này. Điều này đã dẫn đến chiếc máy bay vượt ngoài tầm kiểm soát.

2. Tối 27/3, thành phố Lahore, Pakistan rung chuyển bởi 20kg thuốc nổ được chế thành một quả bom bi có sức sát thương cao. Vụ đánh bom liều chết xảy ra tại công viên ở thành phố Lahore, gần trung tâm chính trị của Tổng thống Nawaz Sharif, đã khiến ít nhất 72 người chết và hơn 280 người bị thương, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Các nhân viên cứu hộ đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ đánh bom ở Lahore. (Ảnh: AP)

Vụ việc xảy ra vào tối Chủ nhật đúng dịp lễ Phục sinh khiến cảnh sát nghi ngờ vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người Thiên chúa thiểu số ở Pakistan.

Ngay sau đó, nhóm phiến quân thoát li khỏi lực lượng Taliban và có tên gọi “Nhóm của những người tự do” đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom liều chết này.

Trong một diễn biến mới nhất, một kênh truyền hình tư nhân Pakistan cho biết, cơ quan điều tra tìm thấy một thẻ căn cước tại hiện trường vụ đánh bom đẫm máu. Chủ nhân chiếc thẻ có tên là  Muhammad Yousaf, sinh năm 1988.

Cơ quan điều tra cũng phát hiện Yousaf đã từng sống tại khu vực Sharif Park ở Lahore trong 1 tháng và có sử dụng điện thoại khi sống tại đây. SIM điện thoại đã được mua tại thủ đô Islamabad vào ngày 19/9/2013. Theo gia đình của Yousaf, đối tượng này đã bỏ nhà đi cách đây 2 tháng. Cảnh sát cũng bắt được 4 người anh em và 1 người chú của đối tượng này.

3. Reuters đưa tin, Nhật Bản hôm nay (28/3) sẽ cho khởi động một trạm radar tại biển Hoa Đông. Trạm radar này sẽ là một điểm thu thập thông tin tình báo cố định gần Đài Loan (Trung Quốc) và nhóm đảo tranh chấp mà cả Tokyo và Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền. (Ảnh: Reuters) 

Trạm radar mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên đảo Yonaguni nằm tại điểm cực Tây chuỗi các đảo của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, nằm cách quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Trung Quốc là Điếu Ngư) 150 km về phía Nam.

Yonaguni là hòn đảo nằm cách phía Đông Đài Loan (Trung Quốc) chỉ 100 km, nằm ngay bên rìa Vùng nhận dạng phòng không do Trung Quốc đơn phương thiết lập hồi năm 2013.

4. Yonhap đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc ngày 28/3 cho biết, nước này đang thiết lập một đơn vị chống pháo toàn diện để bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa của các hệ thống phóng rocket đa nòng của CHDCND Triều Tiên

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc tới thăm một đơn vị quân đội của nước này. (Ảnh: Yonhap)

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo gọi việc triển khai đơn vị chống pháo là để “trả đũa mạnh mẽ” bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía CHDCND Triều Tiên.

Tuyên bố này của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo được đưa ra nhân chuyến thăm của ông tới một căn cứ của lực lượng pháo binh.

Ông Han Min-koo nói: “Trong trường hợp có sự khiêu khích của đối phương, quân đội của chúng ta nên trả đũa mạnh mẽ và không ngần ngại để xóa bỏ ý định của họ khởi động các hành động khiêu khích khác và buộc họ phải nhận ra rằng, sự khiêu khích sẽ dẫn đến tự hủy diệt”.

“Nhiệm vụ lớn nhất của quân đội là bảo vệ sự an toàn và tính mạng của người dân”, ông Han nhấn mạnh.

5. Quốc hội Myanmarngày 28/3 đã thông qua việc thành lập Ủy ban Bầu cử Liên bang mới gồm 5 thành viên và một tòa án Hiến pháp gồm 9 thành viên.

Tổng thống đắc cử của Myanmar, ông Htin Kyaw. (Ảnh: The Standard)

Các cơ quan này được thành lập theo đề xuất của Tổng thống đắc cử Htin Kyaw. Ủy ban Bầu cử Liên bang do ông Hla Thein lãnh đạo, cùng với các thành viên khác gồm Aung Myint, Soe Ye, Tun Khin và Hla Tint, có nhiệm vụ chuẩn bị các công tác cho cuộc tổng tuyển cử sau 5 năm tới.

Trong khi đó, Tòa án hiến pháp do ông Myo Nyunt đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến Hiến pháp. Tổng thống đắc cử Htin Kyaw đề cử 3 người vào tòa án này, Hạ viện và Thượng viện mỗi nơi đề cử 3 người./.