1. Tháng trước, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) ra phán quyết bác bỏ cái mà Trung Quốc gọi là “quyền lịch sử” với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn” mà nước này đơn phương vẽ ra ở Biển Đông.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trước người dân ngày 16/8. (ảnh: AFP). |
Phán quyết này đã chọc tức Trung Quốc và Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của Tòa trọng tài đối với vụ kiện của Philippines.
Đề cập trực tiếp đến phán quyết nói trên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói: “Indonesia tiếp tục tham gia tích cực giải quyết xung đột ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình sau phán quyết của Tòa trọng tài”.
“Chúng tôi tiếp tục thúc đẩy giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế”, ông Widodo nói thêm.
Tổng thống Indonesia trong tuyên bố của mình cũng kêu gọi tiến hành cải cách ngành cảnh sát và tư pháp để tăng cường sự chắc chắn của hệ thống pháp lý ở Indonesia – một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc có thể sẽ “cải tạo” bãi cạn Scarborough ở Biển Đông
2. Reuters đưa tin, ngày 15/8, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump diễn thuyết tại đại học Youngstown State ở Youngstown, Ohio ngày 15/8. (Ảnh: Reuters). |
Tuyên bố này của ông Trump trái ngược với lời đe dọa trước đó của chính ông rằng, Mỹ có thể sẽ không thực hiện các bổn phận với các đồng minh được quy định theo hiệp ước ký với thành viên NATO.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại bang Ohio, nơi các cử tri Mỹ còn đang do dự chưa quyết định bỏ phiếu ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa, ông Trump cho biết, ông sẽ tiến hành cuộc chiến chống IS trên nhiều mặt trận như “quân sự, không gian mạng và tài chính”.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa thể chỉ ra những điểm khác biệt của cuộc chiến ông dự định tiến hành chống IS với cuộc chiến hiện tại mà chính quyền Tổng thống Obama đang thực hiện. Lý giải về điều này, tỷ phú Trump nói rằng, ông không muốn nói về chi tiết chiến lược quân sự bởi kẻ thù có thể có thời gian để tìm cách đối phó. Tài liệu mật: Các tân binh IS không nắm chắc về đạo Hồi
3. Trung Quốc ngày 15/8 lên tiếng phản đối “mạnh mẽ” việc hai thành viên Nội các Nhật Bản là Bộ trưởng Nội vụ Sanae Takaichi và Quốc vụ khanh phụ trách Olympic và Paralympic 2020 Tamayo Marukawa viếng đền Yasukuni nhân dịp 71 năm ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng minh trong Thế chiến II.
Trung Quốc và Hàn Quốc coi Đền Yasukuki là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. (Ảnh: Getty) . |
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng: “Việc một số thành viên Nội các Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni – ngôi đền thờ một số tội phạm chiến tranh hạng A một lần nữa chứng tỏ quan điểm sai trái của Chính phủ Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến lịch sử”.
Ông Lục Khảng cũng hối thúc phía Nhật Bản “thẳng thắn nhìn nhận và suy ngẫm sâu sắc về lịch sử xâm lược trong quá khứ, giải quyết các vấn đề liên quan theo cách thức phù hợp và có trách nhiệm thông qua các hành động cụ thể để giành được lòng tin từ các nước láng giềng châu Á và cộng đồng quốc tế”.
4. Ngày 15/8 khoảng 900 người Hàn Quốc tại huyện đông nam Seongju đã đồng loạt cạo trọc đầu để phản đối việc triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại huyện này.
Khoảng 900 người cùng tham gia cạo đầu phản đối việc triển khai hệ thống THAAD tại huyện Seongju. (Ảnh: AP). |
Theo DW, mặc dù chính quyền Seoul nói hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ sẽ giúp bảo vệ Hàn Quốc khỏi nguy cơ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên, nhưng những người biểu tình cho rằng lá chắn tên lửa sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Những người biểu tình ngồi im lặng trong lúc cạo trọc đầu, nhiều người trong số họ là các nông dân trồng dưa hấu ở huyện Seongju. Trong khi đó, lãnh đạo cuộc biểu tình điều hành một đám đông hô vang khẩu hiệu "No THAAD!" (Không THAAD) gần đó.
Các căng thẳng quân sự đã leo thang trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 và sau đó là một loạt các vụ phóng thử tên lửa.
Tháng trước Hàn Quốc tuyên bố sẽ triển khai hệ thống THAAD, một động thái không chỉ gây ra những phản ứng của người dân trong nước mà cả phản ứng từ Nga và Trung Quốc.
5. Tòa án quân sự Thái Lan sáng 16/8 đã phát lệnh bắt giữ đối với nghi can thứ hai liên quan đến loạt vụ đánh bom đẫm máu vào tuần trước. Đây là lệnh bắt giữ thứ hai được đưa ra. Trước đó cảnh sát đã bắt giữ 1 nghi can vì tội cố ý phóng hỏa.
Nạn nhân bị thương trong vụ nổ bom được đưa đi cấp cứu. (ảnh: Getty). |
Những vụ nổ đã làm rung chuyển 7 tỉnh ở phía nam Thái Lan hôm 11 và 12/8, chỉ vài ngày sau khi Thái Lan tiến hành bỏ phiếu chấp thuận bản Hiến pháp mới.
Tới nay, chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công nhưng cảnh sát và các quan chức công khai bác bỏ sự liên quan của các tay súng cực đoan nước ngoài.
Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan cho biết, các vụ tấn công có thể liên quan đến việc các phần tử phiến quân phía Nam được thuê để tiến hành đánh bom nhưng cho rằng, các vụ đánh bom này không phải là sự mở rộng của cuộc chiến li khai đẫm máu ở 3 tỉnh cực Nam mà đa số dân theo đạo Hồi cuả Thái Lan./. Thủ tướng Thái Lan muốn Malaysia giúp đỡ để truy tìm kẻ đánh bom
Thái Lan có thể mất 200.000 lượt du khách sau các vụ đánh bom