1.TheoAFP, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Moscow đã triển khai 28 máy bay chiến đấu cường kích ở căn cứ không quân gần thành phố cảng Latakia tại Syria. Ngoài ra, điện Kremlin còn tổ chức các cuộc tuần tra bằng máy bay không người lái.

ve_tinh_tivg.jpg
Ảnh vệ tinh chụp ngày 20/9 tại căn cứ không quân gần Latakia . (ảnh: Reuters)

Reuters ngày 22/9 đưa hình ảnh HIS Janes’s của Mỹ vừa công bố cho thấy Nga xây thêm 2 cơ sở quân sự gần thành phố Latakia, miền Tây Syria.

Chuyên gia Rob Munks, Tạp chí quốc phòng IHS Jane's nói rằng hoạt động này diễn ra bí mật tại một kho vũ khí và căn cứ quân sự ở phía Bắc Latakia. Điều này cho thấy Nga đang chuẩn bị triển khai binh sỹ tại cả 2 cơ sở trên.

Thời gian gần đây, giới chức Mỹ tỏ rõ sự lo ngại trước việc Nga gia tăng đáng kể sự hiện diện quân sự tại Syria. Mỹ cáo buộc Nga triển khai một căn cứ không quân phía nam Latakia, “thành trì” của tổng thống Bashar al-Assad. Nga cũng điều động máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng và xây các khu nhà ở tại đây.

Mỹ cảnh giác với sự hỗ trợ của Nga cho Tổng thống Assad, và nói rằng điều đó cản trở việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước, ngay cả khi Nga-Mỹ cùng chung mục đích chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trước những lo ngại của Mỹ, Israel, chính phủ Nga ngày 21/9 tuyên bố, những động thái này không đặt ra bất kì mối đe dọa nào, chỉ nhằm hỗ trợ chống IS và thực hiện những hợp đồng hợp tác quốc phòng đã kí với chính phủ Syria.

Ngày 20/9 Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng trấn an nhà lãnh đạo Israel rằng, những động thái của Nga tại Syria không đặt ra mối đe dọa nào đối với Israel và bác bỏ nguy cơ gây hấn từ Syria hay Iran.

2. Giáo hoàng Francis ngày 22/9 đến Mỹ mang theo thông điệp hòa giải giữa Mỹ và Cuba và hy vọng quan hệ 2 nước sẽ tiến xa.

Phát biểu với báo giới trên chuyến bay tới Mỹ sau khi kết thúc chuyến thăm Cuba, Giáo hoàng bày tỏ mong muốn Mỹ và Cuba sẽ đi đến một kết quả tốt đẹp, và đạt được một sự thỏa hiệp làm hài lòng cả 2 phía.

Tổng thống Obama ra sân bay chào đón Giáo hoàng. (ảnh: AP)

Trước đó, ngày 18/9, Mỹ tuyên bố các quy định mới nhằm nới lỏng thương mại với Cuba, trong đó cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng tại Cuba và mở rộng các hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận kéo dài hơn nửa thế kỷ qua đối với Cuba, vấn đề này cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua.

Giáo hoàng Francis đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ, trong đó có cả việc gửi công văn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro năm 2014, điều đã góp đem đến sự khôi phục quan hệ ngoại giao hồi tháng 7 vừa qua.

Ngày 24/9, Giáo hoàng Francis sẽ có bài phát biểu tại quốc hội Mỹ, tập trung vào “quan hệ song phương và đa phương như một dấu hiệu của sự tiến bộ và cùng tồn tại”. Giáo hoàng Francis là giáo hoàng đầu tiên có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ.

3.Ngày 22/9, phát biểu tại Seattle, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm cách trấn an các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc cam kết hợp tác với Mỹ trong việc đối phó với tội phạm mạng, cải cách tài chính và mở cửa nền kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tới Mỹ. (ảnh: AP)

Ông Tập khẳng định, các công ty nước ngoài được hoan nghênh đến Trung Quốc, và Bắc Kinh không thao túng đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu.

Trong một vấn đề khác, đáp trả cáo buộc của Mỹ về việc tin tặc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng vào cơ sở dữ liệu an ninh khổng lồ của chính phủ và công ty tư nhân, ông Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh không có liên quan.

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ nhắc lại những khó khăn của các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc và triển vọng xấu cho nền kinh tế.

4.Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 22/9 đã đùa cợt về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Aquino đùa cợt về yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh AFP

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABS-CBN, ông Aquino chia sẻ rằng, Trung Quốc đã đề nghị cùng khai thác Biển Đông với Philippines trong khi vẫn “đòi” chủ quyền đối với hầu khắp vùng biển này.

“Vì vậy, có thể Trung Quốc đang muốn nói rằng “cái gì của chúng tôi là của chúng tôi, cái gì của các bạn thì chúng ta chia sẻ”, ông Aquino đùa cợt.

Ông Aquino cũng từ chối lời kêu gọi đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc và nhấn mạnh, mọi cuộc đàm phán về vấn đề Biển Đông cần có sự tham dự của các bên liên quan như Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Philippines là nước chỉ trích mạnh mẽ nhất về những yêu sách của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc tiến hành cải tạo phi pháp các bãi đá ở Biển Đông thành các đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự tại đây.

5.Cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 8 kẻ tình nghi có liên quan đến vụ đánh bom đẫm máu ở thủ đô Bangkok của Thái Lan tháng trước, trong đó có 4 người Malaisia và 4 người nước ngoài.

Đền Erawan, Bangkok. (ảnh: Reuters)

Phó thanh tra cảnh sát Malaysia Rashid Ibrahim hôm nay (23-09) cho biết, những kẻ tình nghi này bị bắt giữ tại thủ đô Kuala Lumpur và bang miền Đông Kelantan của nước này.

Cảnh sát Thái Lan cũng đã được thông tin về vụ bắt giữ, theo đó, Phó Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Chakthip Chaijinda đã tới Malaysia để thẩm vấn một trong số kẻ tình nghi đã thú nhận là người thực hiện vụ đánh bom ở Bangkok.

Đầu tháng này, Malaysia cũng bắt giữ 3 kẻ tình nghi có liên quan đến vụ dán bom. Song theo Phó thanh tra Rashid Ibrahim, các nhà điều tra không xác định được mối liên quan của những tên này với vụ tấn công.

Trước đó, tối ngày 17/8, thủ đô Bangkok của Thái Lan rung chuyển vì vụ đánh bom tại ngôi đền Erawan, làm 20 người thiệt mạng, chủ yếu là khách du lịch châu Á và hơn 120 người khác bị thương. Đến nay, cảnh sát Thái Lan vẫn ráo riết truy tìm kẻ tấn công. Dựa trên hình ảnh do camera an ninh ghi lại, cảnh sát công bố kẻ tình nghi thực hiện vụ đánh bom là một người đàn ông mặc áo vàng./.