TheoSputnik News, nhận định trên được Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế thuộc Hạ viện Nga Alexei Pushkov đưa ra trong bối cảnh Mỹ luôn khẳng định Nga rất cần Mỹ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.

syria_qzdi.jpg
Binh sĩ Syria chiến đấu chống IS. Ảnh Sputnik

Ông Pushkov cũng chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc phải loại bỏ Chính phủ của Tổng thống Syria al-Assad nếu muốn đạt được một giải pháp cho vấn đề Syria.

“Ông Kerry nói rằng, giải pháp chính trị là lựa chọn duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên, việc loại bỏ ông Assad không thể được coi là một giải pháp chính trị mà chỉ là một màn kịch dựng lên để tạo điều kiện cho IS trỗi dậy”, ông Pushkov nói.

Trước đó, ngày 20/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, sẽ không có giải pháp quân sự cho tình hình tại Syria.

“Tình hình Syria đòi hỏi một giải pháp chính trị và giải pháp này chỉ có thể đạt được khi các bên tìm được tiếng nói chung”, ông Kerry tuyên bố trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier.

“Tuy nhiên, cũng cần tính đến những áp lực về quân sự để thúc đẩy giải pháp ngoại giao và đó chính là lý do Mỹ đứng đầu liên quân gồm 60 nước tham gia không kích và tiêu diệt IS”, ông Kerry nói thêm.

“Đây cũng chí là lý do tại sao chúng tôi khẳng định rằng, sẽ không có một giải pháp nào cho vấn đề Syria nếu không có sự chuyển giao quyền lực. Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng ông Assad có thể đoàn kết và lãnh đạo một Syria hòa bình. Điều này cũng đúng với IS và bất kỳ một tổ chức cực đoan nào khác tại Syria. Những tổ chức này sẽ không thể được tiếp nhận quyền lực”, ông Kerry khẳng định.

Cùng chung quan điểm với ông Pushkov, tờ Der Spiegel của Đức đã lên tiếng cho rằng, Mỹ đang thất thế tại Syria.

Tạp chí Đức nhận định, Mỹ đang lo ngại về những gì mà Tổng thống Nga Putin phát biểu tại kỳ họp lần thứ 70 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 28/9, nơi ông được cho là sẽ kêu gọi thành lập một liên minh chống IS và giành lấy vị thế tiên phong của Mỹ trước đây.

Chính vì thế, theo tờ Der Spiegel, Washington đã buộc phải làm một điều mà “không ai có thể tưởng tượng nổi dù chỉ là vài tuần trước đó, đó là hợp tác với Nga cả trong lĩnh vực quân sự và ngoại giao”.

Thậm chí, chính báo chí Mỹ cũng không ngoại trừ việc Tổng thống Nga và Mỹ có thể ngồi vào bàn đàm phán về tình hình Syria.

“Tổng thống Obama được cho là đã chấp thuận lời đề nghị của người đồng cấp Nga Putin về việc Mỹ-Nga đối thoại về tình hình Syria”, tờ Los Angeles Timesviết ngày 17/9.

“Cuộc đối thoại này có thể sẽ được mở đầu bằng việc đàm phán giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước về các hoạt động quân sự của Nga tại Syria để tránh cái mà Ngoại trưởng Nga mô tả là “những sự cố không nên xảy ra” và có thể dẫn đến việc ông Obama và ông Putin gặp nhau tại Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này”, vẫn theo báo Los Angeles Times.

Báo Los Angeles Times khẳng định: “Sẽ khó có khả năng Mỹ từ chối đối thoại với Nga và tập trung tăng cường các hoạt động quân sự tại Trung Đông như trước đây bởi sau khi sa lầy vào những cuộc chiến kéo dài và tốn kém tại Afghanistan và Iraq, người Mỹ đã chán ngấy việc Chính phủ can thiệp quân sự vào các nước khác”.

“Đó chí là lý do vì sao, dù cam kết “truy tìm và tiêu diệt phiến quân IS, ông Obama vẫn không muốn đưa quân đến Syria. Thay vì thế, ông lại kêu gọi các nước khác tham gia cuộc chiến này và Nga nhiều khả năng sẽ đáp lại lời kêu gọi của ông”, tờ Los Angeles Timeskết luận./.