Với tư cách là nước chủ nhà, Pháp đã thể hiện quyết tâm tổ chức thành công hội nghị bằng việc thúc đẩy thỏa thuận ràng buộc toàn cầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo công tác an ninh trong suốt thời gian diễn ra hội nghị.
Cảnh sát Pháp bảo vệ nơi tổ chức COP 21. Ảnh: Reuters. |
Hội nghị của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 sẽ diễn ra sau gần 3 tuần xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris khiến 130 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Chính phủ Pháp đã huy động 11.000 cảnh sát và hiến binh để bảo vệ an ninh cho hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP 21). Trong đó, riêng khu vực hội nghị ở Le Bourget, ngoại ô phía Bắc Paris, sẽ triển khai tới 2.800 cảnh sát đảm bảo an ninh. Khoảng 8.000 cảnh sát được triển khai tại biên giới Pháp trong 11 ngày diễn ra hội nghị để kiểm soát xe cộ đi vào biên giới nước Pháp. Bên cạnh đó, binh sỹ quân đội sẽ được tăng cường để tuần tra đường phố tại thủ đô Paris, để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra hội nghị.
Sỹ quan Ewen, phụ trách đội tuần tra đường phố tại Paris cho biết: “Chúng tôi cần đảm bảo là tất cả mọi người dân đều cảm thấy an tâm, rằng họ sẽ được an toàn khi chúng tôi thực hiện tốt công việc của mình và bất cứ tên khủng bố nào cũng sẽ không thể có cơ hội hành động”.
Bộ Nội vụ Pháp cũng đã kêu gọi người dân dừng sử dụng xe hơi cá nhân trong một số giờ cao điểm vào hai ngày 29/11 và 30/11, tức là ngày khai mạc hội nghị COP 21. Trong hai ngày đó, toàn bộ phương tiện chuyên chở công cộng ở thủ đô Paris sẽ vận chuyển miễn phí.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng nhắc lại rằng, trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp được ban hành sau các vụ khủng bố ngày 13/11, các tỉnh trưởng có quyền ra lệnh cấm biểu tình, tuần hành trên toàn bộ lãnh thổ nước Pháp. Chính phủ Pháp đã cấm hai cuộc tuần hành vì khí hậu dự trù diễn ra ngày 29/11, trước ngày khai mạc hội nghị COP21 và ngày 12/12, sau ngày bế mạc hội nghị.
Với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị lần này, Pháp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý toàn cầu trong việc chống biến đổi khó hậu.
Trong một hội nghị của khối thịnh vượng chung tại Malta ngày hôm qua (27/11), Tổng thống Pháp Francois Holland thừa nhận, đây là một mục tiêu tham vọng lớn, nhưng đạt được thỏa thuận này là nhiệm vụ cần phải thực hiện, bởi việc phá hủy môi trường cũng nguy hiểm không kém gì khủng bố.
Ông Hollande nói: “Con người chính là kẻ thù tồi tệ nhất của con người. Chúng ta có thể thấy đó là chủ nghĩa khủng bố. Nhưng chúng ta cũng có thể nói đó chính là hành động phá hủy môi trường. Con người đang phá hủy thiên nhiên, phá hủy môi trường, vì thế con người phải đối mặt với trách nhiệm của chính mình đối với các thế hệ tương lai. Chúng ta cần phải hành động có trách nhiệm trong việc chống biến đổi khí hậu, cũng như khi chúng ta muốn triệt tiêu chủ nghĩa khủng bố để bảo vệ nhân loại”.
Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu lần này sẽ có sự tham dự của 143 vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon. Trước giờ khai mạc hội nghị, các lãnh đạo thế giới sẽ dành một phút mặc niệm các nạn nhân những vụ khủng bố ngày 13/11 ở Paris./.