Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kano đang có chuyến thăm Nga, thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi là Nam Kuril.

lavrov_kono_sgje.jpg
Ngoại trưởng Nhật Kono (bìa phải) trong một lần gặp gỡ với người đồng cấp Nga Lavrov tại Rome. Ảnh: Kyodo.

Đây cũng là cuộc họp trù bị chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nga- Nhật vào cuối tháng 1 này, với nỗ lực của lãnh đạo hai nước thúc đẩy ký kết Hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản vào ngày mai (14/1) để thảo luận về triển vọng phát triển hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, cũng như các chủ đề thuộc chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực. Theo đó, chủ đề chính của đàm phán là vấn đề ký kết Hiệp ước hòa bình giữa hai bên.

Cuộc gặp này được đánh giá là một nhiệm vụ khó khăn trong việc tạo tiền đề thuận lợi cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nhật Bản – Nga cuối tháng này, thúc đẩy các cuộc đàm phán Hiệp ước hòa bình song phương.

Cuộc gặp tại Moscow diễn ra 2 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí thúc đẩy đàm phán về hiệp ước hòa bình dựa trên Tuyên bố chung Liên Xô-Nhật Bản năm 1956. Tuyên bố này quy định quyền kiểm soát các đảo Habomai và Shikotan sẽ được trao lại cho Nhật Bản sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, triển vọng để giải quyết các bất đồng này đang đối mặt với nhiều ràn cản và vòng tham vấn đầu tiên về kí kết Hiệp ước Hòa bình được cho là một phép thử kĩ năng khó khăn đối với nhà ngoại giao hàng đầu hai nước.

Tranh chấp chủ quyền đối với nhóm quần đảo đã cản trở Nga và Nhật Bản ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Hiện cả lãnh đạo Nga và Nhật Bản đều mong muốn chấm dứt những tranh cãi này.

Phát biểu khi đang ở thăm châu Âu trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định mong muốn thúc đẩy các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga nhiều nhất có thể.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin cũng bày tỏ: “Chúng tôi có mục tiêu và sẽ chân thành hướng đến việc đạt được Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, tôi và Thủ tướng Abe đều nhất trí rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Nga và Nhật Bản đều có ưu tiên trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao hai nước”.

Mong muốn là vậy nhưng tiến trình để hai bên tiến tới kí Hiệp ước vẫn còn nhiều trắc trở. Ngay trước vòng tham vấn cấp Ngoại trưởng diễn ra, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Moscow đến để phản đối các tuyên bố của Nhật Bản về quần đảo tranh chấp.

Trong một tuyên bố đưa ra trước vòng đàm phán, Nga cũng nêu điều kiện với Nhật Bản để giải quyết vấn đề Hiệp ước hòa bình. Theo đó, Nhật Bản cần thừa nhận toàn bộ kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai, "bao gồm cả chủ quyền của nước Nga đối với các đảo mà Nga gọi là Nam Kuril”. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong một cuộc phỏng vấn mới đây cũng tuyên bố “chủ quyền” đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc và sẽ giành lại, nhưng sẽ không trục xuất người Nga đang sinh sống ở đó.

Chuyên gia phân tích về các mối quan hệ Nga- Nhật Bản James Brown cho rằng, mối quan hệ giữa hai nước đang có nhiều cải thiện với thỏa thuận hai nhà lãnh đạo đạt được vào tháng 11/2018 tại Singapore là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, việc các bên đều đưa ra các tuyên bố và điều kiện để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ khiến triển vọng đạt được bước đột phá đối mặt với nhiều thách thức.

Bên cạnh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, giải quyết mối lo ngại của Nga về khả năng hiện diện của quân đội Mỹ trong tương lai trên các hòn đảo sẽ là một thách thức khác đối với Nhật Bản. Tổng thống Nga Putin đã từng cảnh báo, sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ làm phức tạp thêm việc tìm kiếm một Hiệp ước hòa bình chính thức với Nga./.