Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa nhiều nước trên thế giới liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa đề nghị Nhật Bản ký hiệp ước hòa bình đang mở ra hy vọng tạo bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời tạo xung lực cho thiết lập nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực và trên thế giới.

hoa_uoc_nga_nhat_swsx.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Abe (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 4 ở thành phố Vladivostok, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ý sẽ thay đổi cách tiếp cận, khẳng định quyết tâm cùng với Tổng thống Nga Putin thúc đẩy ký kết hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Ông Abe nói: “Tổng thống Putin, với rất đông cử tọa có mặt tại đây hôm nay, hãy một lần nữa khẳng định ý định của mỗi bên để biến điều đó thành hiện thực. Hãy cùng trả lời những câu hỏi đang rất được quan tâm, đó là nếu chúng ta không thực hiện lúc này thì khi nào sẽ làm? Và nếu chúng tôi không thực hiện, sau này ai sẽ thực hiện?”

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin nói rằng hai nước đã đàm phán 70 năm nay rồi và bây giờ hãy cùng ký hiệp ước hòa bình: “Trên hết, tôi muốn nói rằng những điều Thủ tướng Abe vừa nêu là đúng, cả ông ấy và tôi muốn chắc chắn đạt được một hiệp ước hòa bình. Tôi tin rằng đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cả đối với các mối quan hệ song phương của chúng ta và tạo ra những điều kiện thuận lợi trên thế giới. Một ý tưởng vừa mới xuất hiện trong đầu tôi, đó là hãy hoàn tất một hiệp ước hòa bình, có thể không phải ngay lúc này nhưng vào cuối năm nay, mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe không có phản ứng gì trước đề xuất ký hiệp ước hòa bình Nga - Nhật vào cuối năm nay của Tổng thống Putin. Thủ tướng Abe cho biết, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga đều hiểu rất rõ rằng để thực hiện được việc này không hề đơn giản.

Lập trường không đổi của Nhật Bản về “4 quần đảo phương Bắc”

Trong diễn biến liên quan, phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Tokyo, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán trên nguyên tắc cơ bản là sẽ chỉ ký hiệp định hòa bình sau khi giải quyết vấn đề 4 quần đảo ở phương Bắc, khẳng định lập trường này là không đổi.

Từ thủ đô Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cũng cho biết, thông báo của Tổng thống Putin không yêu cầu bất kỳ thay đổi nào trong cơ chế đàm phán hiện tại giữa hai nước.

Nga và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nga kiểm soát, gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tranh chấp lãnh thổ khiến hai nước không ký được hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Do vậy, thời gian gần đây, cả hai nước đã thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo trên.

Trước đó, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến thành phố Nagato, tỉnh Yamaguchi - quê nội của Thủ tướng Abe vào năm 2016, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí khởi động các cuộc tham vấn về một hệ thống hoạt động kinh tế chung, bao gồm việc cho phép cư dân Nhật Bản sinh sống trên các đảo được tự do về thăm quê. Theo Thủ tướng Abe, những lời hứa mà hai nhà lãnh đạo đưa ra tại Nagato giờ đang bắt đầu được thực hiện một cách vững chắc và các mối quan hệ Nhật - Nga đang tiến triển ở một cấp độ chưa từng chứng kiến trước đây.

Dù hai bên vẫn giữ vững lập trường đối với vùng lãnh thổ đang tranh chấp, song với những tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, cùng với mối quan hệ cá nhân khá tích cực giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe, cộng đồng quốc tế có thể được chứng kiến lễ ký hiệp ước hòa bình Nga - Nhật không phải ngay vào cuối năm nay, mà trong một tương lai không xa./.