Tuy nhiên, vẫn có một vụ nổ bom gần địa điểm bầu cử ở tỉnh Narathiwas thuộc cực Nam Thái Lan làm 2 cảnh sát bảo vệ bầu cử bị chết và 3 cảnh sát bị thương.

Hầu hết các nhà chính trị nổi tiếng của Thái Lan, trong đó có Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Thượng viện này.

thai_copy.jpg
Các quan chức bầu cử Thái :Lan tham gia kiểm phiếu cuộc bầu cử Thượng viện (Ảnh AFP)

Các cử tri Thái Lan đã đi bỏ phiếu ở 93.534 địa điểm bầu cử thuộc 77 tỉnh, thành trong cả nước. Khoảng 100.000 cảnh sát Thái Lan đã được huy động bảo vệ an ninh trật tự trong cuộc bầu cử Thượng viện này. 

Theo kết quả không chính thức được Ủy ban bầu cử Thái Lan công bố tối qua (30/3), với 92% số phiếu được kiểm, số lượng cử tri đi bỏ phiếu bầu 77 thượng nghị sỹ ở 77 tỉnh, thành của Thái Lan chiếm hơn 42% trong tổng số hơn 44 triệu cử tri.

Danh sách 77 Thượng Nghị sỹ mới đắc cử cơ bản đã được xác định. Ủy ban Bầu cử Thái Lan sẽ chính thức công nhận kết quả bầu cử Thượng viện sau một tuần lễ.

Đáng chú ý, các nguồn thạo tin cho biết: Đa số Thượng nghị sỹ mới đắc cử ở khu vực Đông Bắc và miền Bắc Thái Lan có xu hướng ủng hộ Chính phủ; trong khi số Thượng nghị sỹ ở khu vực miền Nam và Thủ đô Bangkok lại ủng hộ phe đối lập.

Trong khi đó, nhiều người trong số 73 thượng nghị sỹ đương nhiệm thuộc diện "cử tuyển" của Thượng viện Thái Lan thường bày tỏ quan điểm chỉ trích Chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

Việc tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện thành công sẽ giúp tăng thêm lòng tin của dư luận trong nước và quốc tế về tiến trình dân chủ ở Thái Lan, đồng thời là một phần của tiến trình thành lập Quốc hội mới ở nước này với đầy đủ thành phần nghị sỹ của Thượng viện và Hạ viện.

Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu không cao trong cuộc bầu cử Thượng viện này cũng cho thấy phần nào sự thất vọng của người dân đối với những bất cập, trở ngại trong tiến trình bầu cử ở nước này.

Mặc dù vậy, việc tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện cũng chỉ có ý nghĩa nhất định, nếu so với tầm quan trọng đặc biệt của cuộc bầu cử Hạ viện ở Thái Lan.

Chỉ khi nào Thái Lan tổ chức thành công cuộc bầu cử Hạ viện thì nước này mới có thể thành lập được Chính phủ mới với đầy đủ quyền hạn điều hành đất nước.

Đáng tiếc là tiến trình bầu cử Hạ viện ở Thái Lan hiện vẫn trong tình trạng bế tắc.

Một số nhà phân tích chính trị Thái Lan còn cho rằng, trong bối cảnh mâu thuẫn căng thẳng giữa phe Chính phủ và phe đối lập, sự phân hóa trong nội bộ Thượng viện là không tránh khỏi.

Phe Chính phủ tạm quyền và lực lượng ủng hộ dân chủ sẽ có lợi thế nếu nhận được sự ủng hộ của các tân thượng nghị sỹ. Nếu không nhận được sự ủng hộ của họ, Chính phủ sẽ gặp bất lợi, nhất là trong việc Thượng viện xem xét "luận tội" đối với Thủ tướng Yingluck và các nhà chính trị thuộc phe Chính phủ. Bởi vì, kết quả "luận tội" nêu trên chỉ có hiệu lực khi có 60% trong tổng số 150 thượng nghị sỹ đồng ý hay phủ quyết.

Sau cuộc bầu cử Thượng viện này, Thượng viện Thái Lan sẽ có đầy đủ 150 thượng nghị sỹ. Và Thủ tướng tạm quyền Yinglcuk có nguy cơ bị Thượng viện "luận tội" sớm hơn, nếu Ủy ban chống tham nhũng chính thức cáo buộc bà vi phạm pháp luật ngay trong ngày hôm nay (31/3) hoặc vào đầu tháng 4 tới./.