Chính trường Thái Lan đang đối mặt "rất gần" với nguy cơ bùng phát xung đột bạo lực giữa phe ủng hộ Chính phủ và phe đối lập, nếu hai bên không đạt được sự thỏa hiệp cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

thailan.jpg
Lực lượng biểu tình Thái Lan sẽ tiếp tục gây sức ép với Chính phủ (Ảnh: Reuters)

Ngày 28/3, nhà lãnh đạo biểu tình Suthep tiếp tục tổ chức tuần hành ở Thủ đô Bangkok của Thái Lan để mời gọi người tham gia cuộc biểu tình lớn chống Chính phủ vào ngày mai (29/3). Trong khi đó, ban lãnh đạo Mặt trận dân chủ chống độc tài (tức phe Áo đỏ) cũng tuyên bố sẽ tổ chức biểu tình lớn vào ngày 5/4 tới nhằm ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Theo đánh giá của Trung tướng Khamronwit, Tư lệnh Cơ quan cảnh sát Bangkok, cuộc biểu tình của ông Suthep vào ngày mai sẽ có khoảng 30.000 người tham gia và không tới mức gây nguy hiểm về an ninh trật tự. Cuộc biểu tình lớn của phe Áo đỏ được dự đoán cũng chỉ là biểu tình hòa bình.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nêu trên cùng với nhiều vụ bắn súng, nổ mìn ở Bangkok những ngày gần đây là những tín hiệu cảnh báo nguy cơ gia tăng đối đầu bạo lực giữa phe Chính phủ và phe đối lập; đặc biệt trong bối cảnh chính trường Thái Lan đang diễn biến căng thẳng và xuất hiện những yếu tố có thể sẽ là "ngòi nổ" cho cuộc xung đột bạo lực này.

Đó là việc Ủy ban chống tham nhũng có thể chính thức cáo buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck vi phạm pháp luật và buộc bà phải thôi làm nhiệm vụ Thủ tướng tạm quyền vào đầu tháng 4 tới. Đó là việc hệ thống tư pháp có thể sớm đưa ra những quyết định, phán quyết mới để buộc bà Yingluck và Chính phủ tạm quyền phải ngừng hoạt động, nhằm tạo ra tình trạng "chân không quyền lực", mở đường cho việc thành lập Chính phủ "trung lập" không qua bầu cử.

Phe Chính phủ và dư luận ủng hộ dân chủ coi đây là những quyết định, phán quyết bất công, trái với Hiến pháp và thể chế dân chủ.

Theo một số nhà phân tích chính trị Thái Lan, hiện có hai giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này: Một là, tổ chức cuộc bầu cử Hạ viện mới với sự tham gia của cả đảng Dân chủ đối lập. Hai là, phe Chính phủ và phe đối lập tiến hành đàm phán nhằm đạt được thỏa hiệp chính trị mà các bên có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, cả hai giải pháp nêu trên đều đang bị bế tắc, do nhà lãnh đạo biểu tình Suthep vẫn khăng khăng lập trường kiên quyết chống phá bầu cử và từ chối đàm phán với Chính phủ tạm quyền ở mọi cấp độ.

Trước nguy cơ Thái Lan có thể bùng phát bạo lực nghiêm trọng, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Đại tướng Prayuth mới đây đã kêu gọi Chính phủ và phe đối lập cần "biết hy sinh" để cùng hợp tác khôi phục ổn định và đưa đất nước tiến lên. Đa số dư luận Thái Lan cũng đã và đang bày tỏ những mong muốn tương tự để đất nước này sớm trở lại bình yên./.