Theo các nguồn tin, những người phản đối chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra tiếp tục bị kích động sau khi Tòa án Hiến pháp nước này cuối tuần trước bác bỏ kết quả bầu cử hồi tháng 2 - động thái khiến Thái Lan lún sâu hơn vào bế tắc chính trị.

Sau phán quyết trên, hoạt động thành lập chính phủ mới bị trì hoãn. Tòa án Hiến pháp cũng yêu cầu Ủy ban bầu cử Thái Lan và Chính phủ tạm quyền ấn định ngày tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Bà Yingluck đang đứng đầu chính phủ tạm quyền với nhiều hạn chế về quyền lực. Trong bối cảnh đó, đến ngày 31/3 tới, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan với cáo buộc thiếu trách nhiệm và làm sai nguyên tắc trong chính sách thu mua gạo, dẫn đến những tổn thất nặng nề.

Thượng viện Thái Lan có thể cách chức Thủ tướng Yingluck nếu ủy ban này xác định bà có tội.

Thái Lan tổ chức bầu cử ngày 2/2, nhưng cho đến nay chưa hoàn tất do người biểu tình phong tỏa nhiều khu vực bầu cử, ngăn cản các ứng cử viên đến đăng ký tranh cử và khiến nhiều địa điểm bỏ phiếu phải đóng cửa. Đảng Vì nước Thái cầm quyền cho rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp là một động thái "đáng tiếc" và sẽ tạo "tiền lệ xấu"./.