Công ty đóng tàu của Nga đã chuyển giao cho lực lượng hải quân Việt Nam chiếc tàu ngầm diesel-điện kế tiếp loại "Varshavyanka" hoặc “Kilo” - theo phân hạng của phương Tây.

tau_ngam_gflk.jpg(ảnh: RIA)
Những chiếc tàu ngầm loại này còn được mệnh danh là “hố đen trong đại dương" bởi đặc tính tiếng ồn cực thấp, giảm thiểu khả năng bị đối phương phát hiện.

Đây là chiếc "Varshavyanka" thứ ba được Nga chế tạo dành cho Việt Nam. Trong phiên chế của lực lượng hải quân đất nước, tàu ngầm mới nhận tên gọi "Hải Phòng". Hai chiếc đầu - "Hà Nội" và "Thành phố Hồ Chí Minh" đã hiện diện ở Cam Ranh. Tại nhà máy đóng tàu ở Saint-Peterburg đang triển khai công việc với ba chiếc tàu ngầm khác. Như vậy, đơn đặt hàng của Việt Nam - sáu tàu ngầm - sẽ được hoàn thành đúng thời hạn.

Như quan sát viên Aleksei Lensov nhận xét, hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa hai nước đã khởi đầu ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Cho đến trước khi Liên Xô tan rã, các thiết bị quân sự Xô viết được cung cấp trên cơ sở viện trợ không hoàn lại và phần nhiều phát huy tác dụng đảm bảo chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và Mỹ cũng như khi giáng trả cuộc tấn công của Trung Quốc năm 1979. Kể từ năm 1992 trở đi, hợp tác quân sự-kỹ thuật được xúc tiến trên cơ sở thương mại.

Từ thời điểm đó đến nay, danh sách đặt hàng của Việt Nam mua vũ khí Nga khá rộng lớn. Đó là các máy bay "Su-30MK2" và hệ thống tên lửa phòng không “Tor”, "Buk" và S-300, vượt trội đáng kể so với tổ hợp "Dvina" mà Liên Xô cung cấp cho Việt Nam trong thời gian cuộc kháng chiến thứ hai và đã ghi công bắn hạ 1.300 máy bay Mỹ. Trực thăng Nga loại tiên tiến "Mi-8" đã có vai trò hệ trọng trong cơ số máy bay trực thăng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Các tàu tuần tra loại "Gepard" lượng giãn nước 2.100 tấn và tốc độ 28 hải lý, được thiết kế dành để tìm kiếm phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên bề mặt, ngầm dưới nước và trên không. Trang bị trên tàu gồm bốn bệ phóng pháo chống hạm và hai dàn phóng tên lửa chống tàu ngầm, máy bay trực thăng và pháo 76-mm. Theo đúng hạn trong hợp đồng, Hải quân Việt Nam sẽ nhận thêm cặp tàu thứ hai thuộc loại này.

Tàu tuần phòng lãnh hải "Svetlyak” có chức năng bảo vệ biên giới biển trong khu vực 200 dặm ven bờ. Với dung tích 375 tấn, chiều dài 50m, tàu đạt tốc độ tối đa là 30 hải lý. Hai chiếc tàu như thế thuộc loạt đầu đã được bàn giao cho Việt Nam, và thể hiện mình một cách xứng đáng qua thực tế làm nhiệm vụ, và trên cơ sở kiểm chứng kết quả vận hành của số tàu này, Việt Nam đã đặt hàng chế tạo thêm hai chiếc nữa.

Còn sau khi xem xét mẫu tàu tuần phòng mang tên lửa "Molnya” của Nga, ban lãnh đạo Việt Nam đã nêu đề xuất ký kết thỏa thuận liên Chính phủ để triển khai sản xuất tại Việt Nam hơn chục chiếc tàu loại này với giấy phép của Nga. Thỏa thuận đang được thực thi thành công tại hãng đóng tàu "Ba Son" ở thành phố Hồ Chí Minh, - như xác nhận của Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thị sát mới đây tới cơ sở này.

Hiện diện tại Việt Nam còn có các tổ hợp tên lửa Nga "Bastion". Thành phần chiến đấu của mỗi tổ hợp bao gồm đến 36 tên lửa hành trình "Yakhont". Đó là các tên lửa tự dẫn hướng chống hạm siêu thanh với đầu đạn nặng hơn 200 kg. Vũ khí này đủ sức triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách đến 300 km. Mỗi tổ hợp có thể bao quát bảo vệ hơn sáu trăm cây số bờ biển và kiểm soát vùng nước diện tích 200.000 km2.

Theo quan điểm của các chuyên viên Nga, hiện tại không một lực lượng hải quân nào trên thế giới có được phương tiện hữu hiệu để chống tên lửa "Bastion".

Quan sát viên Aleksei Lensov nhận xét tiếp: Trong quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật quốc tế có sự tham gia của nhiều nước, quan tâm để đảm bảo cung cấp cho quân đội của nước mình những loại vũ khí này hay trang bị khác, được sản xuất ở các nước khác. Luôn có việc ký kết các hợp đồng tương ứng, mở rộng liên hệ đối tác. Và ở đây tính chất chắc chắn đáng tin cậy của bạn hàng là yếu tố đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn, Paris đã vi phạm trách nhiệm của mình theo hợp đồng ký kết với Moscow, liên quan đến việc Pháp cần bàn giao cho Nga vào ngày 14/11 chiếc tàu chở trực thăng đầu tiên loại "Mistral", trong số hai chiếc mà Moscow đặt chế tạo./.