59 năm trước quân dân Việt Nam đã làm nên 1 kỳ tích lịch sử, khi lần đầu tiên 1 nước thuộc địa đánh bại 1 quân đội đế quốc hùng mạnh. Trước trận Điện Biên Phủ năm 1954, quân đội thực dân Pháp đã từng thua quân đội Việt Nam trong nhiều trận chiến nhỏ hơn, tuy nhiên vẫn là một lực lượng đông hơn hẳn về quân số và mạnh hơn về vũ khí và trình độ chiến đấu. Trận Điện Biên Phủ giáng đòn quyết định làm cho thực dân Pháp chấp nhận thất bại hoàn toàn tại Đông Dương.
Bẫy Điện Biên
Bằng một loạt chiến dịch vào cuối năm 1953 và đầu năm 1954, Quân đội Nhân dân Việt Nam phối hợp với quân dân Lào và Campuchia đã căng kéo lực lượng chủ lực Pháp ra 5 nơi trên toàn cõi Đông Dương, trong đó Điện Biên Phủ (ở vùng Tây Bắc Việt Nam) là nơi tập trung quân đông thứ 2 của Pháp sau đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.
Từ rất sớm, quân đội Việt Nam đã xác định Điện Biên Phủ sẽ là điểm quyết chiến chiến lược với thực dân Pháp và đã bắt tay chuẩn bị cho trận chiến này.
Trong quân sự, việc đưa một lượng lớn quân vào một chỗ xa và kín có thể xem là tối kỵ vì dễ bị bao vây cô lập. Tuy nhiên trước việc mất quyền chủ động và thua liên tiếp, Pháp không còn cách nào khác tốt hơn. Họ buộc phải đưa nhiều quân cơ động lên Điện Biên Phủ để xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm giữ Lào (kiểm soát đường tiếp tế sang Thượng Lào) và Tây Bắc Việt Nam. Dù gì, quân Pháp vẫn không thể tránh được mâu thuẫn cố hữu của các đội quân xâm lược, đó là mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng.
Bộ binh xung phong giữa lúc pháo kích tại Mặt trận Điện Biên Phủ (ảnh: mytour.vn) |
Thực dân Pháp tỏ ra lạc quan khi muốn thu hút Việt Minh về đây để chúng phát huy ưu thế hỏa lực “nghiền nát” chủ lực đối phương. Máy bay Pháp rải truyền đơn thách đấu với tướng Giáp tại Điện Biên Phủ. Người Pháp đã tính đến thực tế công tác hậu cần cho chiến dịch rất khó, và Quân đội Nhân dân Việt Nam mới chuyển từ du kích chiến lên, chưa có nhiều kinh nghiệm đánh hiệp đồng binh chủng và đánh công kiên quy mô lớn.
Ngược lại, phía Việt Nam cũng thấy cơ hội đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch để tạo bước xoay chuyển cục diện chiến trường.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự mạnh và “đáng sợ” nếu nhìn vào hệ thống phòng ngự liên hoàn và vũ khí tối tân thời đó. Thực dân Pháp còn tự tin với các đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của chúng tại Đông Dương và khả năng phi pháo tốt. Các trận địa pháo binh Pháp được cung cấp nhiều đạn và có hỏa lực đan cài hỗ trợ lẫn nhau. Ở thung lũng Điện Biên Phủ còn có những khoảng trống bằng phẳng mà việc vượt qua đó dưới hỏa lực bắn thẳng của súng máy sẽ là một thách thức lớn đối với bộ binh.
Nhưng người Pháp đã hoàn toàn bất ngờ. Thứ nhất, Việt Minh có được pháo lớn và pháo cao xạ. Không những vậy ta còn đưa được trọng pháo vượt qua đường xa và núi đèo vào sâu trong mặt trận, và bắn với độ chính xác cao dù lượng đạn ít hơn hẳn đối phương. Với việc phân tán hỏa khí và sử dụng các hầm pháo, phía Việt Minh đã bảo vệ rất tốt các cỗ pháo của mình trước phản pháo cũng như máy bay của địch. Đại tá Piroth chỉ huy pháo binh Pháp thất kinh trước hiệu quả của pháo binh Việt Minh đã phải tự sát bằng lựu đạn vào ngày 15/3 (chỉ 2 ngày sau khi chiến dịch Điên Biên Phủ bắt đầu). Thứ hai, Việt Nam giải quyết được khâu hậu cần dù chỉ có phương tiện vận tải thô sơ. Thứ ba, hệ thống chiến hào chằng chịt (dài 400km) của quân ta như thòng lọng thít dần cổ quân Pháp mà chúng không tài nào khắc chế được. Đường tiếp tế duy nhất của quân Pháp là cầu hàng không cũng gặp muôn vàn khó khăn do (1) hỏa lực của cả pháo cao xạ và pháo mặt đất của Việt Minh, (2) thời tiết sương mù nhiều mây ở Điện Biên Phủ, và (3) địa hình rừng núi khu vực Tây Bắc.
Ngoài ra Quân đội Nhân dân Việt Nam còn có tinh thần chiến đấu rất cao và áp dụng nhiều chiến thuật sáng tạo khác khiến đối phương phải choáng váng.
Pháp cầu cứu Mỹ
Ngay khi Việt Minh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều quan chức và tướng lĩnh Pháp đã cảm thấy tình hình không ổn. Chỉ sau một thời gian phía Pháp đã rơi vào thế tuyệt vọng phải cầu cứu người Mỹ, mong lật ngược tình thế, thủ hòa hoặc ít nhất là có vị thế nhất định trên bàn đàm phán ở Geneva.
Đến ngày 20/3, Tướng Paul Ely, tham mưu trưởng quân đội Pháp đã tới Washington để cầu cứu sự giúp đỡ của Mỹ. Phía Pháp muốn có 1 cuộc ném bom ồ ạt xung quanh Điện Biên Phủ cũng như được Mỹ tăng cường viện trợ nhanh chóng.
Các sử gia Pháp là Philippe Deviller và Jean Lacouture trong cuốn “Kết thúc một cuộc chiến tranh” cho biết: Vào ngày 29/3, tướng Narvarre (tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh Pháp tại Viễn Đông) viết rằng, số phận của Điện Biên Phủ phụ thuộc vào việc tiếp tế bằng dù và rút lui (qua đường hàng không). Ông này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sử dụng không quân đánh phá hậu phương của Việt Minh, phá hủy giao thông và kho tàng để ngăn tiếp tế. Ông ta đề xuất ném bom napalm để tạo nên một vành đai tử thần quanh tập đoàn cứ điểm, làm lộ các vị trí của Việt Minh. Navarre xem đó là cách duy nhất để tránh thảm họa thất trận hoặc thế thua trong đàm phán về hòa bình ở Đông Dương. Tướng Navarre tin sự can thiệp của Mỹ bằng không quân sẽ vô hiệu hóa được hỏa lực pháo binh và cao xạ của Quân đội Nhân dân Việt Nam và ghìm chân bộ binh của ta.
Vẫn theo 2 sử gia Pháp nói trên, Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Dejean cũng đã kêu gọi Paris chi viện. Ông này còn tiếp xúc với đại diện Mỹ tại Sài Gòn để yêu cầu cung cấp máy bay như họ đã hứa (gồm oanh tạc cơ, chiến đấu cơ, và máy bay vận tải).
Sang đầu tháng 4/1954, tướng Navarre tiếp tục yêu cầu được Mỹ tiến hành chiến dịch giải cứu bằng không quân. Chính phủ Pháp cũng vậy.
Về phía Mỹ, họ xác định được tầm quan trọng đặc biệt về địa chính trị và kinh tế của Đông Nam Á – khu vực có nguồn nguyên liệu, nhân lực và thị trường tiêu thụ cho thế giới tư bản phương Tây và cho Nhật Bản, đồng minh quan trọng được Mỹ vực dậy khi đó để đối trọng với Liên Xô và Trung Quốc. Việt Nam là trọng tâm của Đông Dương, mà Đông Dương là chìa khóa giữ vững toàn vùng Đông Nam Á. Với học thuyết domino, Mỹ còn lo sợ làn sóng XHCN lan ra toàn vùng.
Ngày 6/3, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra kiến nghị, nước này phải tiến hành mọi biện pháp trong tầm tay để ngăn chặn “cộng sản kiểm soát vùng này” vì việc mất vùng này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Tối 29/3 tại New York, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles có bài phát biểu gây xôn xao giới chính trị và ngoại giao khi ông lên giọng phê phán sự hỗ trợ của phe XHCN cho Việt Minh. Viện dẫn chiến cuộc Triều Tiên, ông khẳng định Mỹ sẽ chủ động hành động để đối phó với tình hình, hàm ý sự can thiệp của Mỹ.
Phi cơ - "siêu pháo đài" B-29 (ảnh: olive-drab.com) |
Trên thực tế Mỹ “đã nhảy” vào Đông Dương bằng nhiều hình thức. Mỹ chi tới 80% chiến phí cho Pháp ở Đông Dương. Trong trận Điện Biên Phủ, Mỹ còn tham gia hỗ trợ Pháp bằng cả máy bay và phi công trong tiếp vận và ném bom. Hai phi công Mỹ McGovern và Buford chết trong trận Điện Biên Phủ được coi là những người Mỹ đầu tiên chết trong chiến đấu tại Việt Nam.
Điều đặc biệt đáng sợ là cả phía Pháp và Mỹ đã xúc tiến xây dựng kế hoạch có tên Chiến dịch Kền kền để giải vây quân Pháp tại Điện Biên Phủ, hoặc chí ít tạo 1 tình thế có lợi cho họ tại đây. Sang đến tháng 5 thì người Pháp đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận ngừng bắn giống người Mỹ ở Triều Tiên, để rút lui trong danh dự.
Chiến dịch Kền kền
Kế hoạch của chiến dịch này được xây dựng bởi các sĩ quan cao cấp của Pháp và Mỹ ở Đông Dương, và đặc biệt là đô đốc Arthur W. Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cùng bộ phận tham mưu của riêng ông này. Phó Tổng thống Mỹ khi ấy là Richard Nixon cũng nhiệt liệt ủng hộ kế hoạch Kền kền (Nixon thậm chí còn ủng hộ đưa lục quân vào). Đương kim Tổng thống khi ấy của Mỹ là Eisenhower đã để ngỏ khả năng thực thi chiến dịch. Sau chuyến thăm của tướng Pháp Ely, Eisenhower từng nói với Ngoại trưởng Mỹ Dulles rằng ông không loại trừ khả năng tung ra “đòn quyết định” nếu điều này chắc chắn đem lại kết quả rõ ràng.
Theo nữ tác giả Rebecca Grant có bài viết đăng trên tạp chí Air Force (của Hiệp hội Không quân Mỹ), tham mưu trưởng quân Pháp tướng Ely đã gặp gỡ với cả Dulles và Radford, cùng thảo luận và thông qua chiến dịch Kền kền.
Theo các nguồn tài liệu phương Tây, kế hoạch của phái “diều hâu” Mỹ và Pháp như sau: Mỹ sẽ tung 60 oanh tạc cơ chiến lược B-29 từ các căn cứ Mỹ trong khu vực (như Philippines) vào ném bom các vị trí của Việt Minh quanh thung lũng Điện Biên, mỗi đêm sẽ ném dồn dập 450 tấn bom để phá vỡ vòng vây và phá hủy vũ khí của Việt Minh. (Có tài liệu nói dùng tới 300 máy bay cường kích để dọn sạch khu vực quanh Điện Biên Phủ.) Các “siêu pháo đài” B-29 này sẽ được hỗ trợ bởi 150 chiến đấu cơ từ các tàu sân bay của Hạm đội Bảy (hải quân Mỹ), do Mỹ lo ngại Không quân Trung Quốc sẽ vào cuộc (Mỹ vốn đặc biệt cảnh giác sau khi bị bất ngờ về “chí nguyện quân Trung Quốc” trong Chiến tranh Triều Tiên).
Một điểm nhấn của kế hoạch này là khả năng sử dụng tới 3 quả bom hạt nhân (cấp chiến thuật). Tấn công hạt nhân có thể thực hiện bằng máy bay B-29, B-36 và B-47, thậm chí cả máy bay của hải quân Mỹ.
Âm mưu của Mỹ dùng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có thật. Ngoại trưởng Dulles ngay từ tháng 1/1954 đã đưa ra khái niệm “trả đũa ồ ạt”, trong đó Mỹ sẵn sàng đáp trả đối phương ngay lập tức bằng các “phương tiện” và tại các địa điểm mà Mỹ “lựa chọn”, ám chỉ việc Mỹ đã chuẩn bị dùng đến cả vũ khí hạt nhân. Dulles được cho là đã từng đề nghị tặng riêng cho Pháp 2 trái bom nguyên tử để Pháp tùy ý sử dụng tại Điện Biên Phủ.
Dựa trên các tài liệu giải mật của chính phủ, John Prados, tác giả 1 cuốn sách chuyên về Chiến dịch Kền kền của Mỹ năm 1954, đã cho độc giả thấy rằng Mỹ đã sẵn sàng ở mức độ nhất định để can thiệp vào Việt Nam (tại thời điểm đó) bằng cả không quân (với bom nguyên tử), và lục quân trên quy mô lớn, cũng như không loại trừ chiến tranh với Trung Quốc.
Trong và sau Chiến tranh Triều Tiên, phía Mỹ cũng đã có động thái đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Trong những năm 1960 và năm 1972 Nixon đã tỏ ra rất hung hăng khi nung nấu quyết tâm dùng bom hạt nhân chiến thuật để đánh Việt Nam, bất chấp các nguyên tắc đạo đức. Trên thực tế ông ta đã thành lập ban bệ chuyên nghiên cứu về việc này. Việt Nam đã là 1 trong các mục tiêu hàng đầu cho bom nguyên tử Mỹ sau Nhật Bản.
Người Pháp thì khấp khởi chiến dịch Kền kền sẽ được tiến hành. Riêng tướng Navarre có nhiều “sáng kiến” như dùng phi công và máy bay Mỹ nhưng sơn cờ Pháp (để chiến dịch có thể tiến hành mà người Mỹ không phải lâm chiến về mặt chính thức), tổ chức “ném bom ban đêm, theo từng đợt kế nhau và mỗi đợt không dùng quá số phi cơ mà Pháp huy động được” nhằm qua mắt đối phương về sự can thiệp của người Mỹ.
Vì sao kế hoạch thất bại?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến Chiến dịch Kền kền chỉ tồn tại trên giấy.
Trong Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã cân nhắc đến việc sử dụng bom hạt nhân để chống lại quân đội Triều Tiên và Trung Quốc (ảnh: Lục quân Hoa Kỳ) |
Lúc đó Mỹ mới bước ra khỏi Chiến tranh Triều Tiên, và sợ bị lôi kéo sâu vào 1 cuộc chiến tranh mới, sợ Trung Quốc can thiệp, và nguy cơ leo thang chiến tranh thế giới (có sử dụng hạt nhân) với Liên Xô. Ngoài ra Mỹ cũng không tin tưởng lắm vào khả năng quân sự của Pháp qua thực tế chiến tranh tại Đông Dương.
Thực tế nội bộ Mỹ đã bàn thảo rất kỹ về hậu quả trên các mặt chính trị, quân sự của việc can thiệp, về thái độ và khả năng hành động của Trung Quốc và Liên Xô.
Phe diều hâu gồm Dulles và Raford đã thăm dò một cách kỹ lưỡng các nghị sĩ chủ chốt của cả 2 đảng tại Quốc hội Mỹ. Kết quả nhận được là những cái lắc đầu, do các nghị sĩ sợ phải đưa lục quân vào Việt Nam và rơi vào 1 cuộc chiến tranh nữa giống như ở bán đảo Triều Tiên.
Theo các tác giả Pháp Laurent Cesari và Jacques de Folin, bản thân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Raford cũng không được các tham mưu trưởng liên quân ủng hộ vì họ cho rằng hoạt động oanh kích sẽ không hiệu quả. Riêng tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ là Matthew Ridgway kiên quyết phản đối đưa quân vào Đông Dương.
Một trở ngại khác là bất đồng Mỹ-Pháp. Trong vấn đề Đông Dương, Pháp có cái nhìn khác. Pháp vừa chống cộng, vừa muốn duy trì hệ thống thuộc địa “kiểu cũ” truyền thống của mình. Nhờ Mỹ can thiệp, Pháp trong lòng lại lo ngại sẽ mất dần ảnh hưởng ở Đông Dương. Khi Pháp cố gạt bất đồng và do dự để nhanh chóng đưa ra lời đề nghị chính thức với Mỹ (vào tối 4/4) và tin rằng chiến dịch can thiệp sẽ không làm chiến tranh lan rộng thì nước Anh lại không ủng hộ, mà Mỹ thì muốn có hành động tập thể dựa trên 1 thỏa thuận chính trị với nước Pháp và nhiều nước khác, đặc biệt là Anh.
Hơn nữa, trong lúc các bên của Mỹ và Pháp đang nhùng nhằng thì Việt Minh đã xiết chặt vòng vây, khiến nếu ném bom hạt nhân cũng như bom thông thường hạng nặng xuống Điện Biên Phủ thì sẽ gây tổn thất cho cả 2 phe tham chiến. Ngoài ra rừng rậm xung quanh và tình hình thời tiết khi ấy cũng làm oanh tạc cơ của Mỹ khó có thể ném bom hiệu quả. Ném bom vào ban đêm được đánh giá sẽ khó chính xác, còn vào ban ngày thì gặp trở ngại cao xạ.
Tổng thống Eisenhower sau khi cân nhắc toàn bộ tình hình đã “chốt hạ” bằng việc chấm dứt bàn luận cũng như thực hiện Chiến dịch Kền kền. Quân Pháp tại Điện Biên Phủ sau đó đã phải đầu hàng vào ngày 7/5.
Tuy nhiên dù đã thức thời khi quyết định không liều lĩnh can dự bằng không quân và vũ khí hạt nhân, 10 năm sau Mỹ như quên câu chuyện này và bắt đầu đưa quân vào Việt Nam để rồi chuốc lấy thất bại một cách cay đắng./.