Vụ nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị giết hại vẫn đang là một chủ đề “nóng” được dư luận quan tâm, ngay cả từ bên trong lẫn bên lề các hội nghị quốc tế diễn ra trong những ngày cuối tuần qua. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Thổ Nhĩ Kỳ đều đang cần một câu trả lời rõ ràng hơn từ phía Saudi Arabia cho vấn đề.

ap_labv.jpg
Nhà báo Khashoggi. Ảnh: AP.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên về Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan hôm qua (27/10) đã đề cập tới vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại bên trong lãnh sứ quán Saudi Arabia  tại thành Istanbul hồi đầu tháng 10/2018.

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Saudi Arabia cần làm rõ ai là người đứng đằng sau việc cử 18 đối tượng sang Thổ Nhĩ Kỳ để sát hại ông Khashoggi: “18 người đã bị Saudi Arabia bắt, từng đến đất nước chúng tôi. Ai là người gửi nhóm người này tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Saudi Arabia cần trả lời được câu hỏi này. Giới chức Saudi Arabia cho biết, thi thể nhà báo Khashoggi đã được chuyển cho một người dân địa phương. Vậy người đó là ai? Các quan chức đưa ra thông tin trên cần có lời giải thích”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng tái đề nghị Saudi Arabia cần dẫn độ các đối tượng tình nghi tham gia vào vụ sát hại nhà báo Khashoggi tới Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bày tỏ hi vọng cuộc họp giữa các nhóm công tố viên 2 nước diễn ra ngày hôm nay tại thành phố Istanbul sẽ làm rõ được các thắc mắc của nước này.

Cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí cùng nhau tìm một “tiếng nói chung” của Liên minh châu Âu (EU) trong vấn đề “trừng phạt” Saudi Arabia liên quan đến vụ việc.  

Thủ tướng Merkel cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý với nhau rằng, một khi chúng tôi có sự được rõ ràng hơn, dựa vào điều đó, chúng tôi biết ai đứng sau vấn đề này, chúng tôi sẽ cố gắng tìm giải pháp hoặc phản ứng thống nhất từ tất cả các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu trên cơ sở tôn trọng các giá trị chung của Khối”.

Hiện Pháp và Đức có những quan điểm bất đồng về việc ngừng bán vũ khí cho phía Saudi Arabia. Cho đến nay, Đức vẫn tuyên bố ngừng xuất khẩu vũ khí sang quốc gia Trung Đông này cho tới khi nguyên nhân cái chết của nhà báo Khashoggi được làm rõ. Đồng thời mong muốn các nước thành viên EU có hành động tương tự nước này.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emanuel Macron lại cho rằng, không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa cái chết của nhà báo Khashoggi với việc Pháp bán vũ khí cho phía Saudi Arabia. Theo Nhà lãnh đạo Pháp, nếu áp trừng phạt, EU sẽ phải tiến hành đồng loạt và không chỉ riêng việc ngừng bán vũ khí mà còn là nhiều biện pháp khác nữa, trong đó có cả việc ngừng xuất khẩu ôtô sang thị trường lớn của Trung Đông này – một ám chỉ nhằm vào ngành xuất khẩu ôtô lớn mạnh của Đức.

Còn tại Diễn đàn An ninh Đối thoại thường niên diễn ra ở thủ đô Manama, Bahrain, hôm qua (27/10), vụ nhà báo Khashoggi cũng đã làm nóng các cuộc tranh luận. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tham dự diễn đàn cho biết, Mỹ sẽ không chấp nhận một hành động giết hại nhà báo một cách “tàn bạo” như vậy:

“Với sự quan tâm chung của các nước đối với nền hòa bình và sự tôn trọng đối với quyền con người, cái chết của nhà báo Khashoggi tại một cơ sở ngoại giao đã khiến cộng đồng quốc tế rất quan ngại. Như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố, Mỹ sẽ không chấp nhận một hành động tàn nhẫn như vậy. Việc bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ các quy tắc quốc tế và pháp quyền đều gây xói mòn sự ổn định khu vực vào đúng thời điểm mà sự ổn định là điều cần thiết nhất”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vẫn khẳng định, lợi ích cốt lõi của mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ không thay đổi sau vụ việc này.

Cũng tại diễn đàn trên, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubier đã phản bác yêu cầu dẫn độ các đối tượng liên quan tới vụ việc đang bị bắt giữ tại Saudi Arabia. Theo Ngoại trưởng Saudi Arabia, tất cả các đối tượng đều là công dân Saudi Arabia, bị bắt tại Saudi Arabia, do đó họ cần được truy tố ngay tại quốc gia vùng Vịnh này.

Hiện thế giới vẫn đang cần một câu trả lời rõ ràng hơn từ phía Saudi Arabia khi mà những lời giải thích của nước này trước đó vẫn chưa thể làm hài lòng được nhiều bên, kể cả những nước đồng minh thân cận nhất là Mỹ./.