Dừng buôn bán vũ khí, hạ thấp quan hệ ngoại giao và thương mại, thu hồi thị thực, đóng băng các hợp đồng làm ăn chỉ là một vài trong số những biện pháp được các đồng minh phương Tây của Saudi Arabia, bao gồm cả Mỹ cân nhắc sau vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.

pt_qfnd.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, có một quốc gia đáng chú ý vắng mặt khỏi danh sách dài các quốc gia chỉ trích vương quốc Saudi Arabia, đó chính là Nga.

Trong khi ngày càng có nhiều cáo buộc được đưa ra liên quan đến cái chết của nhà báo Washington Post thì những lời chỉ trích của Kremlin dường như vẫn vắng bóng trong những dòng tin tức hàng ngày.

"Trước tiên, chúng ta nên chờ đợi kết quả của cuộc điều tra", Tổng thống Nga Vladimir Putin thận trọng khi bình luận về thông tin cho rằng các quan chức Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi.

"Làm sao Nga lại có thể phá hủy mối quan hệ với Saudi Arabia trong khi không biết về những điều thực sự diễn ra ở đây?", ông Putin giải thích.

Hiện Saudi Arabia đã thừa nhận rằng cái chết của nhà báo Khashoggi là một "vụ mưu sát", Bộ trưởng Tư pháp Shaikh Suood bin Abdullah Al Mo'jab cho biết ngày 25/10.

Riyadh vẫn giữ nguyên quan điểm rằng cả Thái tử Mohammed bin Salman và vua Salman đều không biết gì về vụ tấn công nhằm vào nhà báo Khashoggi. Dù vậy, các quan chức Mỹ nhận định 15 người đàn ông từ Riyadh có nhiệm vụ thuyết phục ông Khashoggi quay trở về Saudi Arabia từ Istanbul sẽ không tiến hành vụ tấn công mà không có sự cho phép từ Thái tử bin Salman.

Trước diễn biến này, Moscow vẫn tiếp tục phản ứng bằng những tuyên bố thận trọng về cái chết của nhà báo Saudi Arabia: "Chúng tôi đã nghe tuyên bố chính thức từ Riyadh rằng những người đại diện của gia đình Hoàng gia không liên quan gì đến vụ việc và chúng tôi cũng cân nhắc đến khả năng này", điện Kremlin nêu rõ.

Nga và Saudi Arabia - 2 người khổng lồ năng lượng từng là những kẻ thù truyền thống, nay lại đang có những cải thiện đáng kể về quan hệ chính trị và kinh tế. Đó cũng là lý do mà Moscow muốn đảm bảo rằng không gì có thể hủy hoại mối quan hệ này.

Vào đầu tuần, trong khi các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đưa các quan chức Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi ra xét xử, Nga đã thông báo rằng Saudi Arabia đang đầu tư 5 tỷ USD vào dự án khí tự nhiên ở vùng Bắc Cực của Nga.

Có lẽ một số nước phương Tây cũng muốn hành xử như Nga để không phải trừng phạt Saudi Arabia và cũng không phải mạo hiểm những hợp đồng béo bở với vương quốc này.

Tuy nhiên, đó chỉ là những gì họ nghĩ trong đầu, còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì thẳng thắn tuyên bố rằng. "Họ đã đặt những đơn hàng lớn nhất trong lịch sử của chúng ta và bên ngoài đất nước chúng ta. Chỉ tính vũ khí, họ đang dành 110 tỷ USD mua vũ khí của chúng ta. Và còn 500.000 công việc của người Mỹ".

"Bây giờ mọi người cho rằng chúng tôi muốn chấm dứt những đơn hàng này ư? Thế chẳng phải chúng tôi đang tự làm tổn hại đất nước mình sao? Bởi vì nếu đây là điều sẽ xảy ra, họ (Saudi Arabia - ND) sẽ nói rằng: "Này, Mỹ sẽ không bán tên lửa cho chúng ta nữa. Thế thì chúng ta sẽ mua chúng từ Trung Quốc hoặc từ Nga", ông Trump cho biết thêm.

Nhà Trắng có lẽ đã nhận ra một thực tế rằng Nga dù không bao giờ thay thế được vị trí của phương Tây như là những đồng minh chủ chốt của Saudi Arabia nhưng chắc chắn Moscow sẽ không từ chối một “miếng” lớn hơn trong "chiếc bánh" Saudi Arabia.

Trong khi phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới rút khỏi Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai Saudi hay còn gọi là "Davos trên sa mạc" ở Riyadh trong tuần này, Nga đã cử một đoàn đại biểu tới ngợi ca vương quốc này và thúc đẩy các hợp đồng nhiều lợi nhuận với Saudi Arabia.

"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là ủng hộ sự thay đổi đang diễn ra ở Saudi Arabia. Tầm nhìn của một nền kinh tế mới rất quan trọng và chúng tôi ủng hộ tầm nhìn đó ở Saudi Arabia", ông Kirill Dmitriev - CEO Quỹ đầu tư trực tiếp Nga chia sẻ với CNN trước thềm hội nghị./.