Hai năm sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq, quốc gia vùng Vịnh này lại đang rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng do sự “trỗi dậy” của các phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ và người dân Iraq trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

kurd_mmav.jpgLực lượng người Kurd bảo vệ thành phố Kirkuk (Ảnh Reuters)

 

Liên quan đến tình hình Iraq, người phát ngôn Bộ Nội vụ nước này, Chuẩn tướng Saad Maan ngày 13/6 cho biết nước này đã tăng cường các biện pháp bảo vệ thủ đô Baghdad trong bối cảnh lực lượng phiến quân gần thủ đô gia tăng sức ép tấn công tại thành phố lớn thứ hai Mosul và cảnh báo tiến vào Baghdad.

Các quan chức quân đội và cảnh sát Iraq cho biết lực lượng an ninh giao tranh với các tay súng Hồi giáo dòng Sunni thuộc Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) ở ngoại ô thành phố Baquba.

Các tay súng đã chiếm được thủ phủ hai tỉnh ở Iraq là thành phố Tikrit ở tỉnh Salaheddin và thành phố Mosul ở tỉnh Nineveh, cùng một số thị trấn và khu vực khác ở Iraq. Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông muốn chiếm thủ đô Baghdad để thành lập nhà nước riêng của họ ở Iraq.

Cùng ngày, Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã có chuyến thăm bất ngờ tới thành phố Samarra, phía Bắc Baghdad và đã có cuộc gặp với các chỉ huy quân đội tại đây. Ông đã thúc giục quân đội và mọi người dân quyết tâm bảo vệ thành phố.

“Những gì đang diễn ra càng thúc đẩy quyết tâm của mọi người lính, sỹ quan và người dân Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Hàng nghìn người đã tự nguyện cầm súng chống lại những kẻ khủng bố và hiện chúng ta chưa vũ trang kịp cho những tình nguyện viên”, ông al-Maliki tuyên bố.

Thành phố Samarra đã bị rơi vào tay các phiến quân hôm 5-6, nhưng sau đó đã được các lực lượng Iraq đánh chiếm lại.

Tình trạng bạo lực leo thang nghiêm trọng tại Iraq khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ và nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi tổ chức một cuộc đối thoại khẩn cấp mang tính toàn diện tại nước này.

Phát biểu về tình hình hỗn loạn hiện nay ở Iraq, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cho biết vai trò của NATO là bảo vệ các đồng minh và khối này không có sự ủy nhiệm hay đề nghị nào tại Iraq. Tuy nhiên, người đứng đầu NATO cho biết sẽ theo dõi sát sao tình hình và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng sử dụng vũ lực./.