Tình hình chiến sự tại khu vực miền Bắc Iraq vẫn diễn ra ác liệt khi quân nổi dậy tiếp tục giành quyền kiểm soát nhiều thành phố. Trong khi đó, hiện cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra quyết định về việc can thiệp quân sự giúp chính phủ Iraq đẩy lùi các tay súng Hồi giáo cực đoan.

Ngoại trưởng Iraq Zebari cho biết, quân đội Iraq hoàn toàn có đủ khả năng để đánh bại quân nổi dậy thuộc các nhóm Hồi giáo cực đoan  khỏi các thành phố: "Theo tôi, trong 1 ngày qua, quân đội Iraq đã giành được nhiều lợi thế, ngăn chặn các lực lượng nổi dậy tiếp cận các khu vực nhạy cảm. Chúng tôi tin rằng, các lực lượng Iraq và các nhà lãnh đạo chính trị của đất nước sẽ đánh bại và ngăn chặn những kẻ nổi dậy thành lập nhà nước ở khu vực phía Tây Iraq và phía Đông Syria”.

marines-baghdad-invasion-iraq-2003_wjbm.jpg 

Tại nhiều thành phố, quân chính phủ của Iraq buộc phải rút lui. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, tuyên bố của Ngoại trưởng Iraq được cho là không phản ánh đầy đủ tình hình chiến sự ác liệt đang diễn ra tại nước này. Tại nhiều khu vực, quân đội chính phủ đã rút lui trước sự tấn công của quân nổi dậy, bỏ lại các căn cứ và vũ khí.

Tại một số tỉnh và thành phố như Kirkuk, Anbar, sau khi lực lượng an ninh rút khỏi, lực lượng người Kurd và thủ lĩnh các bộ lạc Sunni đã tuyên bố kiểm soát hoàn toàn khu vực. Trước đó một ngày, hàng trăm tay súng thuộc lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông cũng đã tấn công các thị trấn ở phía Đông và Nam có đông người Ả rập sinh sống. Trong khi đó, tại thủ đô Baghdad, các tay súng phiến quân mở đợt tấn công mới từ hướng Tây và hướng Bắc nhưng chưa có thêm thông tin cụ thể.

Lo ngại bạo lực tiếp tục leo thang, Tổng thống Mỹ Obama hôm qua tuyên bố, Iraq cần thêm sự hỗ trợ từ Mỹ nhằm đẩy lùi quân nổi dậy, song hiện ông Obama chưa tiết lộ chi tiết về sự hỗ trợ này.

“Những gì xảy ra trong 2 ngày qua cho thấy rằng Iraq cần nhận được sự giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Các nhà chức trách Mỹ đang cân nhắc xem làm thế nào để có thể hỗ trợ hiệu quả nhất cho Iraq. Tôi không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào bởi vì chúng tôi muốn đảm bảo rằng các nhóm thánh chiến sẽ không có một chỗ đứng nào ở Iraq.” - Tổng thống Mỹ Obama cho biết.

 

Quân chính phủ của Iraq tiến binh dưới sự yểm trợ của xe tăng. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, trong phiên họp cùng ngày nhằm tìm giải pháp cho tình hình an ninh tại Iraq, các nhà lập pháp Mỹ cho biết, hiện họ vẫn chưa đưa ra quyết định liệu có triển khai các cuộc không kích tại Iraq nhằm giúp chính phủ nước này đẩy lùi quân nổi dậy hay không.

Một số ý kiến cho rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc chính quyền nước này can thiệp quá sâu vào cuộc khủng hoảng tại Iraq, ngoài việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Baghdad. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cùng ngày khẳng định, NATO không có kế hoạch tham gia về mặt quân sự trong cuộc xung đột tại Iraq.

“Tôi nhấn mạnh rằng, NATO không có vai trò gì ở Iraq. Song chúng tôi vẫn sẽ theo dõi tình hĩnh chặt chẽ và kêu gọi tất cả các bên liên quan chấm dứt bạo lực. Chúng tôi kêu gọi những kẻ bắt cóc ngay lập tức thả các con tin”.

Giao tranh đẫm máu giữa lực lượng an ninh và phiến quân đã bùng phát mạnh ở Iraq từ tuần trước làm hàng chục người thương vong và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều thành phố và địa phương đã bị các tay súng chiếm giữ khiến dư luận quan ngại về nguy cơ bất ổn an ninh sẽ nhấn chìm Iraq và cả khu vực Trung Đông./.