Tuy nhiên, ông Obama cũng đã loại bỏ khả năng Mỹ đưa quân vào nước này và nhấn mạnh rằng bất kỳ một sự can thiệp nào cũng sẽ kéo theo việc nhiều thủ lĩnh các nhóm phiến quân tại đây tham gia vào các cuộc nổi dậy.
Không đưa quân nhưng sẽ tiến hành không kích?
Reuters cho biết Lầu Năm Góc hiện đang chuẩn bị đưa ra các lựa chọn cho ông Obama bao gồm cả việc không kích vào Iraq. Những lựa chọn này chủ yếu để giúp chính quyền Iraq đối phó với phiến quân của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL), một nhóm mà ông Obama đã mô tả là rất “nguy hiểm” và là “một tổ chức khủng bố” có khả năng đe doạ đến Mỹ.
Ông Obama cũng kêu gọi lãnh đạo Iraq gạt bỏ những bất đồng về sắc tộc để đối phó với những nguy cơ đang hiển hiện và cam kết Mỹ sẽ tham gia tích cực vào các giải pháp ngoại giao trong khu vực để ngăn chặn mọi việc trở nên xấu đi.
“Mỹ sẽ không đơn thuần tham dự vào một hành động quân sự mà không có một kế hoạch chính trị do chính những Iraq đề xuất nhằm đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo Iraq đang hợp tác với nhau”, ông Obama tuyên bố tại Nhà Trắng.
Ông Obama cho biết ông sẽ tham vấn Quốc hội Mỹ trong vài ngày tới và nhiều thành viên trong Đảng Dân chủ của ông cũng ngần ngại trong việc chấp thuận cho Mỹ can thiệp vào Iraq sau một cuộc chiến do Mỹ khởi xướng tại đây kéo dài từ năm 2003 để lật đổ Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
“Cần phải hiểu rằng việc đưa quân đội đến đây là chưa đủ để mang lại hoà bình”, Chủ tịch Uỷ ban Vũ khí và người đứng đầu Đảng Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Adam Smith tuyên bố.
Trong khi đó, nhiều thành viên Đảng Cộng hoà đã chỉ trích Tổng thống vì sự chậm trễ trong vấn đề Iraq.
“Chúng ta rõ ràng là không nên đem quân đến Iraq nhưng chúng ta cần phải tấn công những kẻ khủng bố đang tiến đến Baghdad bằng máy bay không người lái ngay lập tức”, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce khẳng định.
Hai thượng Nghị sỹ John McCain và Lindsey Graham, thành viên của Uỷ ban Vũ khí cũng kêu gọi tiến hành không kích.
“Đây là lúc cần phải tấn công và làm tê liệt ISIL khi mà chúng đang bị phân tán và ít chuẩn bị cho việc này nhất”, tuyên bố của hai Thượng Nghị sỹ nêu rõ.
Các hoạt động do thám của Mỹ tại Iraq
Mỹ được cho là đã gia tăng các hoạt động do thám, tình báo và hỗ trợ trinh sát trong tuần này theo đúng yêu cầu của Baghdad, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Phó Đô Đốc John Kirby cho biết.
Một vài máy bay do thám không người lái của Mỹ cũng đã thu thập thông tin về hướng di chuyển của các nhóm phiến quân.
Người phát ngôn của hãng Lockheed Martin- chế tạo tên lửa Hellfire để bán cho Iraq, cho biết hãng đang làm việc với chính quyền Mỹ để đẩy nhanh việc giao những tên lửa này cho Iraq nếu được yêu cầu.
Ông Kirby cũng từ chối đưa ra câu trả lời về việc liệu Lầu Năm Góc có tin tưởng rằng lực lượng an ninh Iraq có thể giữ được Baghdad hay không.
“Chúng tôi rất kinh ngạc và thấy vọng về khả năng chiến đấu của một số đơn vị an ninh tại miền Bắc Iraq. Tôi sẽ không thành thật nếu nói rằng khả năng chiến đấu của họ có thể tạo ra sự tin tưởng”, ông Kirby tuyên bố.
Một quan chức chống khủng bố của Mỹ cũng cho biết ISIL dường như đã giành được ưu thế trong việc bảo vệ những vùng đất mà chúng chiếm được nhất là khi chúng nhận được sự ủng hộ của người Sunni trong các khu vực nói trên.
Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo: “Nhóm ISIL sẽ phải đối mặt với việc giàn trải quân quá rộng nếu cố gắng tiến sâu vào Baghdad và những vùng xa hơn”.
Iraqtrong mối lo chia rẽ sắc tộc sâu sắc
Tổng thống Obama bày tỏ lo ngại rằng nhóm ISIL có cố gắng đẩy lui những người Shiite tại những địa điểm linh thiêng của họ và tạo ra những chia rẻ sắc tộc sâu sắc và rất khó để hàn gắn.
“Đây là một vấn đề sắc tộc vùng miền và sẽ là một vấn đề lâu dài. Điều chúng ta cần phải làm là phải kết hợp nhiều hành động có cân nhắc kỹ lưỡng của quân đội để đảm bảo rằng chúng ta đang theo sát những kẻ khủng bố vốn có thể làm hại đến binh sỹ Mỹ cũng như chính nước Mỹ”, ông Obama nói.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông muốn xem xét lại những thông tin tình báo về tình hình tại Iraq để chắc chắn rằng mọi hành động của Mỹ là “nhằm trúng mục tiêu, cụ thể, rõ ràng và có hiệu quả”.
Ông Obama cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đã “đổ rất nhiều tiền cho lực lượng an ninh Iraq”.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết các nhóm phiến quân vẫn chưa gây hại gì đáng kể đến việc cung cấp dầu khí của Iraq.
Tuy nhiên, ông Obama cảnh báo, nếu phiến quân kiểm soát những nhà máy lọc dầu thì các nước sản xuất dầu khác tại Trung Đông cần phải tăng sản lượng để “bù đắp lượng dầu thiếu hụt”./.