Trải qua nhiều bước thăng trầm, Mỹ và Iraq đã ràng buộc với nhau hàng chục năm qua, từ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đến cuộc xâm lược năm 2003 lật đổ ông Saddam Hussein dẫn tới tình trạng bất ổn bạo lực kéo dài đến ngày nay.

Không ai nghi ngờ gì về sự gắn kết đó và vì thế cũng không bất ngờ khi mọi con mắt đổ dồn về phía Mỹ khi tình trạng bạo lực leo thang trở lại tại quốc gia có nền dân chủ còn mong manh như Iraq. Câu hỏi đặt ra bây giờ là, Mỹ có thể làm gì và sẽ làm được gì cho Iraq?

Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry ngày 12/6 cho biết, Tổng thống Barack Obama vừa có cuộc gặp với các quan chức an ninh quốc gia để chuẩn bị một số phương án nhằm tạo chuyển biến cho tình hình ở Iraq và sẽ sớm đưa ra quyết định về vấn đề này. Kênh truyền hình CNN của Mỹ đã đưa ra một số phương án mà chính quyền của Tổng thống Obama có thể lựa chọn.

images883156_my1_vucd.jpg 

Lính thủy đánh bộ Mỹ tập kích Cầu Diyala ở Baghdad. (Ảnh: Internet)

Phương án đầu tiên đơn giản và dễ dàng nhất có lẽ là Mỹ sẽ cử thêm quân đến Iraq như đã từng làm sau chiến tranh vùng Vịnh. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, vào thời kỳ đỉnh điểm năm 2007, có đến 166.300 binh sỹ Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương án này, Tổng thống Obama sẽ phải nghe lại những lời chỉ trích mà ông đã từng nghe khi quyết định rút quân khỏi Iraq năm 2011.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa đối lập - John McCain ngày 12/6 cũng đã nhắc lại sự bất bình đối với quyết định rút quân của Tổng thống Obama và kêu gọi ông chủ Nhà trắng sa thải đội ngũ cố vấn an ninh quốc phòng của ông.

Về phía Iraq, Ngoại trưởng - Hoshyar Zebari hôm 12/6 cũng cho biết, nước này không kêu gọi Mỹ quay trở lại. Vì thế mà trong mọi phương án, việc tăng quân đến Iraq có lẽ là phương án đầu tiên mà chính quyền của ông Obama muốn tránh nhất. Đó là điều mà Người phát ngôn chính phủ Mỹ - Jay Carney hôm 12/6 cũng khẳng định “Mỹ sẽ không gửi quân đến Iraq”.

Phương án thứ hai mà chính phủ Mỹ có thể xem xét cũng là hỗ trợ quân sự cho Iraq  bằng những cuộc không kích. Sau khi Tổng thống Obama tuyên bố “sẽ cân nhắc mọi phương án”, người phát ngôn Jay Carney cũng khẳng định chính phủ Mỹ đang xem xét đề xuất không kích hỗ trợ cho quân đội Iraq.

Trong quá khứ, Iraq luôn công khai nguyện vọng hạn chế sự tham gia của quân đội Mỹ vào nước này. Tuy nhiên, hôm 11/6 vừa qua, một quan chức Mỹ cho biết, chính phủ Iraq đã có những động thái sẵn lòng để Mỹ không kích các mục tiêu của phiến quân, trong đó chủ yếu là nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL). Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa bang Illinois - Adam Kinzinger cho rằng, nếu Mỹ không tiến hành không kích, Iraq sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề

“Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến Thủ đô Baghdad và cả Iraq bị thiêu rụi. Hãy tưởng tượng điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cả khu vực Trung Đông. Tôi nghĩ chúng ta có trách nhiệm đẩy lùi kẻ thù chung này”, ông Adam Kinzinger nói.

Với những chiến dịch không kích tỏ ra có hiệu quả ở Libya hay Kosovo, đây hoàn toàn là sự lựa chọn khả thi cho Washington. Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Mỹ - Jay Carney cho biết, Tổng thống Obama có thể phải tham vấn Quốc hội trước khi đưa máy bay đến Iraq.

Bên cạnh đó, phương án này cũng có những hạn chế và thách thức, đặc biệt là khi Mỹ không ít lần vướng vào những chỉ trích và cáo buộc vì không kích nhầm gây thương vong cho dân thường.

Phương án thứ ba mà Mỹ nhiều khả năng lựa chọn là tăng cường viện trợ tài chính cho quân đội Iraq và trên thực tế chính phủ Mỹ đã tiến hành kế hoạch này và có thể đẩy mạnh hơn nữa.

Một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết, Mỹ đã tài trợ 15 tỷ USD trang thiết bị, huấn luyện và các dịch vụ khác cho quân đội Iraq, chưa kể đến khoảng 1 tỷ USD tăng thêm mà Quốc hội đang xem xét trong vòng 30 ngày này. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng tình hình ở Iraq hiện nay là “vô cùng khẩn cấp”, do đó những gì Mỹ đã và sắp triển khai ở Iraq theo phương án này là không đủ.

Bên cạnh đó, nước Mỹ cũng không thể đảm bảo tính hiệu quả của hàng tỷ USD đổ vào một đội quân mà cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq - James Jeffrey miêu tả là “không được huấn luyện một cách bài bản, thiếu sự dẫn dắt và rõ ràng không chuyên nghiệp”.

Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ bang Hawaii - Tulsi Gabbard chỉ ra rằng: “Nếu chúng ta quan ngại về 1 mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ, chúng ta nên tập trung nguồn lực ngăn chặn mối đe dọa đó ngay từ gốc thay vì nhúng tay vào thêm 1 cuộc nội chiến khiến chúng ta phải trả giá bằng nhiều mạng sống và hàng tỷ USD nữa”.

Phương án cuối cùng là Mỹ phải thay đổi hệ thống chính trị ở Iraq bởi một chiến thắng quân sự cho chính phủ của Thủ tướng Nuri al-Maliki, nếu thành hiện thực cũng sẽ không trọn vẹn nếu sau đó đất nước này không lập lại được trật tự luật pháp.

Thủ tướng Maliki có thể sẽ hợp tác với chính quyền của cộng đồng tự trị người Kurd để chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông và điều này sẽ đào sâu thêm vực thẳm ngăn cách giữa 2 cộng đồng Hồi giáo chính ở Iraq là Shiite và Sunni.

Chính phủ của Thủ tướng Maliki và quân đội Iraq với phần đông là người Shiite lâu nay đã khiến cộng đồng người Sănni cảm giác bị “gạt ra rìa” và sẽ không lấy làm lạ nếu một số người trở nên cực đoan quay sang ủng hộ Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông.

Phó Tổng thống Mỹ - Joe Biden thường xuyên trao đổi và tác động để Thủ tướng Maliki có những thay đổi về mặt chính trị tại Iraq, cụ thể là mở ra khả năng thành lập một chính phủ đoàn kết trong đó dành cho người Sunni 1 vị trí đáng kể.

Dù nước Mỹ chọn phương án nào thì như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Jen Psaki khẳng định, “kẻ thù chung đang ở đây” và 2 bên “cần phải hợp tác trên 1 mặt trận chung”.

Tuy nhiên, bà Saki cũng nhấn mạnh, chính quyền của Tổng thống Obama, theo cả cách công khai và kín đáo, đã gửi một thông điệp đến Thủ tướng Maliki rằng, chính phủ của ông cần phải làm nhiều hơn và nên làm nhiều hơn nữa trong thời gian tới để đưa tình hình Iraq trở lại quỹ đạo bình thường./.