Các nhóm phiến quân hồi giáo, trong đó có nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) hôm qua (12/06) tiếp tục mở rộng hoạt động và hiện đang kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ Iraq. Cộng đồng thế giới bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh ngày một xấu đi tại nước này.
Sau khi chiếm được nhiều thành phố lớn và thị trấn tại miền Bắc Iraq, các nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông hôm qua (12/06) tuyên bố sẽ tiến về kiểm soát Thủ đô Baghdad và áp đặt luật hồi giáo Sharia tại các khu vực mà chúng kiểm soát.
Trước đó, nhóm phiến quân này đã chiếm giữ được 2 thành phố lớn quan trọng tại miền Bắc Iraq là thành phố Tikrit và thành phố Mosul-Thủ phủ tỉnh Nineveh. Trước đó một ngày, hàng trăm tay súng thuộc lực lượng thánh chiến này cũng đã tấn công các thị trấn ở phía Đông và Nam có đông người Arab sinh sống. Nghiêm trọng hơn, mới đây, nhóm này cũng đã tấn công cơ quan lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Mosul, bắt cóc 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Tổng Lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước sức tiến của phiến quân, quân đội Chính phủ đã vứt bỏ vũ khí và rời bỏ các vị trí đóng quân tại thành phố giàu dầu lửa Kirkuk ở miền Bắc Iraq và một số khu vực khác. Nhân cơ hội này, lực lượng người Kurd đã nhảy vào kiểm soát hoàn toàn Kirkuk, trong đó có cả các căn cứ không quân. Giới phân tích lo ngại, diễn biến trên tại Iraq sẽ khiến mâu thuẫn giữa người Sunni, người Shiite và cả người Kurd càng gia tăng.
Các diễn biến dồn dập trên tại Iraq đã khiến cộng đồng quốc tế không khỏi quan ngại. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua (12/06) đã triệu tập một cuộc họp kín thảo luận về tình hình Iraq. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Ðại sứ Nga, nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Vitaly Churkin cho biết, cơ quan này sẽ cân nhắc đưa phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông vào danh sách các tổ chức khủng bố để có các chế tài trừng phạt thích hợp.
Ông Churkin cũng cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên tại Iraq đối thoại nhằm giải quyết bất ổn tại nước này. Ông Churkin nói: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thống nhất quan điểm về tình hình Iraq hiện nay. Tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ sự ủng hộ đồng thuận với Chính phủ và người dân Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng tôi lên án các hoạt động khủng bố và cực đoan bất kể là vì động cơ gì. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân Iraq đối thoại dân tộc toàn diện nhằm hỗ trợ Iraq sớm thành lập được Chính phủ và Quốc hội mới tại nước này”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 12/6 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ngày một xấu đi tại Iraq. Ông Kerry cũng cho biết: “Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ sớm có quyết định nhằm hỗ trợ Iraq đẩy lui bước tiến của phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông".
Trong một tuyên bố tại cuộc gặp với Thủ tướng Australia Tony Abbott, Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về những gì đang diễn ra tại Iraq. Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ cho Iraq. Chúng tôi đang liên hệ trực tiếp với Thủ tướng Maliki và các nhà lãnh đạo cấp cao Iraq về tình hình tại Iraq hiện nay. Tôi cũng xin thông báo, Tổng thống Obama sẽ sớm đưa ra quyết định liên quan đến tình hình Iraq”.
Cùng chung quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ, Đại sứ Iraq tại Pháp Fareed Yasseen đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua quyết định cho phép viện trợ quân sự bổ sung cho Baghdad, trong đó có máy bay và máy bay không người lái.
Lo ngại bạo lực tiếp tục leo thang, trong một tuyên bố đưa ra hôm 12/6, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lên tiếng chỉ trích bạo lực tại Iraq đồng thời kêu gọi các nhóm phiến quân ngay lập tức trả tự do cho các con tin Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng này bắt giữ: “Tôi lên án bạo lực tại Iraq. Tôi kịch liệt chỉ trích việc bắt giữ các con tin và yêu cầu trả tự do ngay cho các con tin”.
Trước đó, ngày 11/06, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab (AL) đã nhóm họp tại Thủ đô Aten của Hy Lạp để thảo luận việc hợp tác nhằm đối phó với những diễn biến tại khu vực Trung Đông.
Tại hội nghị, các bộ trưởng Liên minh châu Âu và Liên đoàn Arab đã ra tuyên bố chung lên án mạnh mẽ làn sóng tấn công khủng bố gần đây tại khu vực miền Bắc Iraq, đồng thời kêu gọi chính quyền Iraq cũng như Chính quyền người Kurd phối hợp các lực lượng chính trị và quân sự nhằm khôi phục an ninh khu vực./.