Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi cả hai bên vẫn liên tục chỉ trích lẫn nhau, Thủ tướng Pakistan Imran Khan vừa bất ngờ đưa ra lời đề nghị đối thoại với Ấn Độ.

vung_kashmir_etrq.jpg
Căng thẳng tại khu vực tranh chấp Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ảnh minh họa: Getty.

Phản ứng trước việc hai quốc gia này rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới, cộng đồng quốc tế cũng đã lên tiếng hối thúc 2 bên cần hết sức kiềm chế, từng bước tháo gỡ những bất đồng.

Trong bức thư gửi tới người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Pakistan Imran Khan bày tỏ mong muốn đối thoại giải quyết tất cả các vấn đề có thể hòa giải, bao gồm cả vấn đề Kashmir.

Theo ông Imran Khan, đàm phán song phương là giải pháp duy nhất giúp người dân hai nước vượt qua nghèo đói và cùng nhau phát triển khu vực. Động thái này của nhà lãnh đạo Pakistan được xem như hành động “xuống thang” sau một loạt những quyết định trước đó vốn thổi bùng lên những sóng gió mới với Ấn Độ như việc chính phủ Pakistan quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ, triệu hồi đại sứ về nước, tuyên bố ngừng giao dịch thương mại với quốc gia láng giềng, thậm chí còn đưa vấn đề căng thẳng giữa hai bên lên Liên Hợp Quốc.

Trên thực tế, mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan lâu nay vốn luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Song, trong bước đi mới nhất, Ấn Độ ra quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực tranh chấp với Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua - tuyên bố bãi bỏ quy chế đặc biệt đối với khu vực Kashmir đã một lần nữa khiến quan hệ căng thẳng hai bên tiếp tục “nổi sóng”. Vì vậy, không hề khó hiểu trước những phản ứng gay gắt tức thì từ phía Pakistan.

Bày tỏ lo ngại về căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng vốn luôn có hiềm khích này, ông Stephane Dujarric- người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định Liên Hợp Quốc đang giữ liên lạc với Ấn Độ và Pakistan ở các cấp độ khác nhau. 

“Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang theo dõi sát sao tình hình tại Jammu và Kashmir với một sự quan ngại, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. Tổng thư ký cũng nhắc lại thỏa thuận năm 1972 về quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Pakistan, còn được gọi là thỏa thuận Simla, trong đó tuyên bố rằng hiện trạng cuối cùng của Jammu và Kashmir sẽ được giải quyết bằng biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký cũng lo ngại trước những báo cáo về các hạn chế của Ấn Độ đối với Kashmir, có thể làm trầm trọng thêm tình hình nhân quyền trong khu vực. Tổng thư ký đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không thực hiện các bước có thể ảnh hưởng đến hiện trạng của Jammu và Kashmir", ông Dujarric nói.

Đồng quan điểm hối thúc Ấn Độ- Pakistan bình tĩnh, kiềm chế khi căng thẳng leo thang, Mỹ vừa ra tuyên bố ủng hộ đối thoại trực tiếp giữa hai bên về vùng Kashmir tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam và Trung Á Alice Wells sẽ tới Ấn Độ và Pakistan, có các cuộc tiếp xúc với quan chức chính phủ cấp cao hai nước trong bối cảnh căng thẳng liên quan tới bang Jammu và Kashmir.

Anh cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại về bất đồng mới nảy sinh giữa Ấn Độ và Pakistan. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết ông đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, nắm rõ được tình hình từ quan điểm của Ấn Độ, đồng thời kêu gọi các bên cần giữ bình tĩnh để giải quyết mâu thuẫn./.