Pakistan và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do nước này kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir, khẳng định Ấn Độ cần thận trọng trong các vấn đề biên giới. Pakixtan cũng cảnh báo một làn sóng bạo lực mới tại Kashmir trong thời gian tới sau các quyết định đơn phương từ phía Ấn Độ. 

kashmir_rddz.jpg
Việc hủy bỏ cơ chế đặc biệt của Kashmir là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan. Ảnh: Gulf News

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ra tuyên bố, hành động của Ấn Độ bãi bỏ quy chế đặc biệt tại Kashmir là không thể chấp nhận và sẽ không có hiệu lực pháp lý. Trung Quốc kêu gọi Ấn Độ tuân thủ nghiêm các thỏa thuận đạt được giữa 2 nước nhằm tránh mọi hành động có thể làm phức tạp hơn nữa các vấn đề biên giới.

Vùng tranh chấp Kashmir trên dãy Himalaya bị chia cắt không chỉ  do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát, mà Trung Quốc cũng kiểm sóat 1 khu vực núi cao thưa thớt dân cư ở phía Bắc. Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu vẫn tranh chấp khu vực biên giới ở Casơmia, trong đó có vùng núi cao Ladakh.

Ấn Độ ngay lập tức chỉ trích Trung Quốc, cho rằng Kashmir là vấn đề nội bộ mà bên ngoài không nên can thiệp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar tuyên bố kế hoạch chia tách bang Jammu – Kashmir thành 2 vùng lãnh thổ liên bang là vấn đề nội bộ.

Trong khi đó, Pakistan có những phản ứng mạnh mẽ hơn, quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao, trục xuất đại sứ Ấn Độ và đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ. Quân đội Pakistan tuyên bố sẽ bằng mọi cách ủng hộ cư dân ở Kashmir. Thủ tướng Pakistan Imran Khan dự báo sẽ xảy ra các vụ đánh bom liều chết mới tại phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát giống như vụ nổ hồi tháng 2 làm 40 cảnh sát bán vũ trang của Ấn Độ thiệt mạng tại Pulwama. Quốc hội Pakistan hôm qua cũng thông qua nghị quyết lên án động thái đơn phương của Ấn Độ khi bãi bỏ quy chế đặc biệt dành cho Kashmir.

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi  tuyên bố: “Hôm nay với những động thái từ Ấn Độ thì toàn thể cư dân ở Kashmir sẽ đoàn kết lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Trung Quốc. Chúng tôi đã tham vấn với họ và tôi đề nghị mở các cuộc gặp tham vấn tiếp theo”.

Đây là nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ. Ấn Độ và Pakistan đã có 2 cuộc chiến tranh liên quan đến Kashmir. Ấn Độ vẫn cáo buộc Pakistan cấp vũ trang và nơi ẩn náu cho các nhóm phiến quân chống sự cai trị của Ấn Độ ở Kashmir, trong khi Pakistan phủ nhận. Các nhóm phiến quân muốn phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát trở nên độc lập hoặc sáp nhập với Pakistan. 

Cuộc tranh chấp nóng trở lại khi mới đây, Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ điều Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu-Kashmir, vốn trao cho bang đa số dân theo đạo Hồi này quyền tự ra các luật riêng, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang. Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 40.000 binh sỹ bán vũ trang ở Jammu-Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng báo động cao. Ấn Độ cho rằng, quy chế đặc biệt đã cản trở sự phát triển của Kashmir và muốn hội nhập toàn bộ khu vực này với phần còn lại của Ấn Độ.

Với các lệnh hạn chế tụ tập đông người và các biện pháp an ninh được thắt chặt, hiện tại đường phố ở Srinagar thuộc Thung lũng Kashmir thuộc Ấn Độ gần như không một bóng người. Cư dân tại đang vẫn trong tình trạng bị kiểm soát an ninh gắt gao. Điện thoại, Internet đều bị cắt. Giới quan sát cho rằng, một khi các đặc quyền dành cho cư dân ở Kashmir bị xoá bỏ, như quyền về đất đai, việc làm thì cuộc chiến đòi ly khai sẽ trở nên dữ dội hơn./.