Sau khi tiến hành cuộc tấn công toàn diện từ 3 hướng Bắc, Đông, Nam nhằm vào Ukraine, Nga đã thu hẹp quy mô, tập trung “giải phóng” hoàn toàn khu vực Donbass và củng cố quyền kiểm soát một cây cầu trên bộ dẫn tới Bán đảo Crimea. Nhưng sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine cùng việc phương Tây ồ ạt viện trợ vũ khí cho Kiev đã phần nào làm thay đổi cục diện chiến trường, khiến Nga chỉ đạt được những bước tiến nhỏ.
Thương vong nghiêm trọng và hao tổn khí tài quân sự đang làm xói mòn năng lực chiến đấu của cả Nga lẫn Ukraine. Dường như không bên nào có khả năng giành được một chiến thắng quyết định bằng cách sử dụng các phương tiện chiến đấu thông thường. Bên cạnh đó, triển vọng về việc đạt được một thỏa thuận thông qua các cuộc đàm phán rất mong manh.
Cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng nhượng bộ. Vẫn chưa rõ những điều kiện để Nga xác định về một chiến thắng trên chiến trường, trong khi đó mục tiêu chiến tranh của Ukraine đã thay đổi. Và như vậy quan điểm mấu chốt của các bên trong bất cứ cuộc đàm phán nào vẫn chưa rõ ràng.
Quy chế trung lập của Ukraine được cho là kết quả có thể xảy ra trong bất cứ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt xung đột. Tổng thống Ukraine Zelensky từng tuyên bố sẵn sàng chấp nhận quy chế trung lập và điều đó sẽ đáp ứng được yêu cầu của Nga là ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đổi lại Ukraine sẽ yêu cầu phương Tây cung cấp sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ và tiếp tục hỗ trợ để gia tăng năng lực quân sự của nước này nhằm đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm trong bất cứ cuộc đàm phán nào vẫn là lãnh thổ.
Thay đổi mục tiêu và tham vọng
Mục tiêu của Kiev ngày càng tham vọng hơn. Mặc dù bị tấn công mạnh mẽ ở khu vực phía Đông nhưng nhờ sự hỗ trợ của phương Tây, Kiev đang có kế hoạch giành lại hoàn toàn những vùng lãnh thổ mà họ đã để mất.
Ban đầu, chính quyền Tổng thống Zelensky chỉ tập trung vào sự sống còn của đất nước, sau đó là giành quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga kể từ khi xung đột bùng phát vào ngày 24/2. Hiện giờ, Kiev muốn giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ, thậm chí cả Crimea và đẩy lùi Nga ra khỏi tất cả các khu vực biên giới. Để thực hiện mục tiêu này không dễ dàng, quân đội Ukraine cần phải bổ sung nhân lực để thay thế các binh sỹ thương vong, tái trang bị vũ khí với những khí tài quân sự tối tân hơn, thiết lập các lữ đoàn và tiểu đoàn mới.
Ngoài những vũ khí đã được Mỹ và các đồng minh trong khối NATO cung cấp, chính phủ Ukraine đang yêu cầu thêm hệ thống tên lửa tầm xa để nhắm vào tuyến đường tiếp tế của Nga cũng như nhiều loại đạn pháo chính xác để chống lại ưu thế của Nga trên chiến trường. Nhưng chính quyền Biden hiện tại đã từ chối yêu cầu này do lo ngại xung đột leo thang. Trong trường hợp Washington thay đổi quyết định, thì sẽ mất nhiều tháng để đào tạo cho các binh sỹ Ukraine và chuyển giao tất cả những hệ thống mới đó cho lực lượng vũ trang Ukraine, trong khi tình hình chiến sự thay đổi từng ngày.
Về phía Nga, dù chịu nhiều tổn thất do chiến dịch phản công của Ukraine nhưng đến thời điểm hiện tại các lực lượng nước này vẫn giữ với ưu thế trên chiến trường. Theo giới phân tích, Moscow chắc chắc sẽ không chấp nhận thỏa hiệp, thay vì đó sẽ tăng gấp đôi các lực lượng ở Donbass. Điện Kremlin cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng lớn hơn, trong đó có việc tiến về phía Tây dọc theo bờ Biển Đen đến Odessa. Trong mọi trường hợp, Nga khó có thể lùi bước bởi sẽ có rất nhiều rủi ro xảy ra nếu Moscow không đạt được các mục tiêu của mình. Moscow có thể tính toán rằng thời gian đang nghiêng về phía họ và đến một lúc nào đó, phương Tây sẽ mệt mỏi trong việc hỗ trợ Ukraine, do áp lực tài chính gia tăng, cũng như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực.
Phản ứng của phương Tây
Sau hơn 3 tháng xung đột, tham vọng và tính toán của cả Nga lẫn Ukraine đều thay đổi, nhưng điều đáng chú ý là phản ứng của phương Tây vẫn nhất quán. Chiến tranh Nga – Ukraine dường như “đã hàn gắn những rạn nứt” trong lòng NATO, củng cố các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đưa liên minh này tiến gần hơn đến biên giới Nga. Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ quy chế trung lập để tìm kiếm tư cách thành viên trong NATO. Mỹ cùng các đồng minh ngày càng củng cố quyết tâm gây sức ép tối đa với Nga thông qua các lệnh trừng phạt mới và liên tiếp phá vỡ mọi giới hạn để cung cấp vũ khí cho Ukraine bất chấp những cảnh báo sắc lạnh từ Moscow.
Ukraine và các đối tác phương Tây hy vọng rằng, chiến dịch quân sự của Nga sẽ suy yếu khi các lệnh trừng phạt khiến nền kinh tế nước này tê liệt. Nhưng tính toán của phương Tây dường như đi ngược với thực tại. Cho đến nay, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi, một phần nhờ nguồn thu dầu mỏ và khí đốt trong khi nhu cầu về ngũ cốc, phân bón, khoáng sản của Nga trên toàn cầu vẫn gia tăng mạnh mẽ. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy có sự suy giảm về tỷ lệ ủng hộ với Tổng thống Putin hay những rủi ro về chính trị xuất hiện trong lòng nước Nga.
Chiến tranh Nga-Ukraine là cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu trong thời kỳ hiện đại, liên quan đến tất cả các khía cạnh quân sự (trên bộ, trên biển, trên không, trên mạng và trong không gian). Trong trường hợp không bên nào giành chiến thắng quyết định và không có sự nhượng bộ, xung đột có thể sẽ kéo dài, với tác động lan rộng cả khu vực và trên toàn cầu.
Vẫn chưa rõ Nga và Ukraine sẽ phải giải quyết những vấn đề gì để chấm dứt giao tranh và cuộc chiến Ukraine sẽ kết thúc với kịch bản như thế nào, nhưng chắc chắn những tính toán của 2 bên sẽ còn tiếp tục thay đổi khi xung đột leo tháng và điều này khiến triển vọng đạt được một thỏa thuận trở nên mong manh hơn bao giờ hết./.