Severodonetsk thành tâm điểm xung đột
Severodonetsk, thành trì cuối cùng của các lực lượng Ukraine ở vùng Lugansk nằm ngay bên kia sông, cách Lysychansk không xa đang phải hứng chịu các cuộc không kích và pháo kích dữ dội. Thị trưởng Severodonetsk, ông Oleksandr Stryuk cho biết: “Giao tranh đang diễn ra ở ngoại ô thành phố. Các vụ pháo kích diễn ra không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm. 90% số tòa nhà trong thành phố đã bị hư hại”.
Sievierodonetsk, nằm cách biên giới Nga 143 km về phía Nam, những ngày gần đây đã trở thành tâm điểm của cuộc chiến khi Moscow tìm cách “giải phóng” toàn bộ khu vực Donbass còn Ukraine tăng cường chiến dịch phản công. Nga cũng gia tăng nỗ lực kiểm soát thành phố Lysychansk gần đó. Hai thành phố ở phía Đông này được ngăn cách bởi con sông Siverskiy Donets, đóng vai trò vô cùng quan trọng về mặt chiến lược. Đây là những khu vực lớn cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine ở tỉnh Lugansk.
Quân đội Nga đã tiến vào Sievierodonetsk từ 3 hướng kể từ đầu tháng 5 trong một nỗ lực nhằm bao vây các lực lượng Ukraine tại chiến tuyến Severodonetsk-Lysychansk. Hãng thông tấn RIA dẫn thông tin từ các quan chức thuộc Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cho biết, Severodonetsk hiện đã bị bao vây hoàn toàn: “Tại thành phố Severodonetsk các con đường rút lui của quân đội Ukraine đã bị cắt đứt. Có 3 cây cầu mà họ có thể sử dụng để rời đi, nhưng một cây cầu đã bị phá hủy, cây cầu thứ 2 không đang trong tình trạng hư hại nặng nề và cây cầu thứ 3 do lực lượng của chúng tôi kiểm soát”. Tình hình nghiêm trọng tại Sieverodonetsk làm dấy lên lo ngại rằng nơi đây có thể trở thành một Mariupol thứ hai.
Viện nghiên cứu Chiến tranh – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington đã đặt câu hỏi về chiến lược của Điện Kremlin trong việc huy động nguồn lực quân sự lớn để chiếm Sieverodonetsk, cho rằng, chiến lược này sẽ gây tốn kém cho Nga trong khi mang lại rất ít lợi ích. “Khi trận chiến tại Sieverodonetsk kết thúc, bất kể bên nào nắm giữ thành phố, cuộc tấn công của Nga có thể sẽ suy yếu hơn, tạo cơ hội cho Ukraine khởi động lại các hoạt động phản công”.
Chiến dịch bao vây Sievierodonetsk diễn ra sau khi Nga đạt được những bước tiến ổn định ở Donbass trong một tháng qua. Các lực lượng Nga đã kiểm soát gần như toàn bộ Donbass và một số khu vực lân cận, nắm giữ không chỉ trung tâm công nghiệp rộng lớn mà còn cả một số vùng sản xuất lúa mì lớn nhất của Ukraine. Quân đội Nga cũng nắm hầu hết khu vực Đông Nam Zaporizhzhia, ngoại trừ thành phố Zaporizhzhia và một số vùng đất nông nghiệp lân cận vẫn còn trong tay lực lượng Ukraine. Ở phía Tây Nam, Moscow đang củng cố quyền kiểm soát Kherson.
Ukraine thừa nhận bất lợi
Với lợi thế về binh lực, vật lực và hậu cần, quân đội Nga đã nỗ lực ngăn chặn lực lượng Ukraine tiếp cận với các nguồn tiếp tế và lực lượng tiếp viện. Các quan chức Ukraine cho biết, tại mặt trận phía Đông, binh sỹ của Nga đông hơn binh sỹ Ukraine với tỷ lệ 7/1. Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych thừa nhận: “Phía Nga đã thành công trong việc lấp đầy các nguồn dự trữ của họ trước khi chúng tôi làm điều này. Chúng tôi đang bị tụt lại phía sau. Tình hình ở phía trước trở nên vô cùng khó khăn”.
Khi cán cân trên thực địa dường như không có lợi cho Ukraine, một số nhân vật chính trị đã kêu gọi các nhà lãnh đạo phương Tây sửa đổi chính sách gây sức ép tối đa với Moscow. Phát biểu tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos ở Thụy Sỹ, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger cảnh báo, chiến dịch nhằm khiến Moscow bị “thất bại thảm hại” sẽ gây hậu quả lâu dài cho sự ổn định của châu Âu và toàn cầu.
“Việc đàm phán cần bắt đầu trong 2 tháng tới trước khi nó tạo ra những biến chuyển và căng thẳng không dễ để vượt qua. Một cách lý tưởng, đường phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây. Theo đuổi chiến tranh vượt quá điểm đó sẽ không phải là vì tự do của Ukraine mà là phát động một cuộc chiến tranh mới chống lại Nga”, ông Kissinger nhấn mạnh, ý nói đến việc khôi phục biên giới Ukraine như trước khi cuộc chiến bắt đầu vào cuối tháng 2.
Tờ Washington Post cho rằng, việc chấp nhận nguyên trạng như ông Kissinger đề xuất đồng nghĩa Nga vẫn chính thức kiểm soát Crimea và không chính thức kiểm soát hai tỉnh miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk. Tuy vậy, đề xuất của ông Henry A. Kissinger đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía chính phủ Ukraine – vốn từ chối bất cứ thỏa thuận hòa bình nào liên quan đến sự nhượng bộ lãnh thổ.
Bất chấp lời kêu gọi giảm sức ép với Nga, chính quyền Biden và nhiều đồng minh phương Tây khác dường như vẫn giữ nguyên quan điểm. “Chúng tôi cần đảm bảo ông Putin thua và Ukraine sẽ chiến thắng, cũng như đảm bảo cuộc tấn công của Nga không bao giờ được phép đe dọa hòa binh ở châu Âu”, Ngoại trưởng Anh Lizz Truss tuyên bố.
Trong những tuần qua, Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao của Ukraine đã hối thúc Mỹ cung cấp hệ thống pháo phản lực phóng loạt MLRS, giúp Kiev có khả năng tấn công các mục tiêu từ xa hơn nhiều so với pháo thông thường và có cơ hội đẩy lùi cuộc tấn công của Nga ở phía Đông. Washington Post dẫn thông tin từ một số thành viên Quốc hội Mỹ cho biết, chính quyền có thể công bố quyết định sớm nhất là trong tuần này và vũ khí đã được chuẩn bị.
Nhiều người lo ngại việc chuyển giao MLRS với tầm bắn hơn 289km sẽ cho phép các lực lượng Ukraine tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, có khả năng khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát. Nhưng Nhà Trắng đã loại bỏ nguy cơ đó bằng cách giữ lại loại đạn tầm xa nhất của hệ thống, một quan chức cấp cao trong chính quyền nói với Washington Post.
Vẫn chưa rõ, liệu những loại vũ khí này có thể gia tăng lợi thế cho Ukraine và đảo ngược thế trận ở mặt trận miền Đông hay không khi Nga đẩy mạnh chiến dịch tấn công và bao vây các cứ điểm của quân đội nước này.
Theo Washington Post, tình hình ở phía Đông Ukraine đã có sự thay đổi lớn so với giai đoạn đầu chiến tranh. Trước đó các lực lượng phòng thủ của Ukraine đã buộc Nga phải rút lui tại một số khu vực ở Kiev và miền Bắc, làm gia tăng niềm tin của Ukraine và phương Tây về triển vọng đẩy lùi lực lượng Nga. Nhưng hiện giờ, sau khi được tập hợp lại, quân đội Nga đang đạt được những bước tiến ổn định trong chiến dịch ở phía Đông. Mặc dù sự kháng cự của Ukraine tạo ra rào cản lớn cho Nga, nhưng Moscow đang tiến gần hơn đến việc bao vây các thành trì lớn nhất của Ukraine ở Donbass./.