TheoNew York Times, Saudi Arabia nhấn mạnh, các quan chức và nhân viên ngoại giao Iran chỉ có 48 giờ để rời khỏi Saudi Arabia.

Động thái đầy bất ngờ này được Ngoại trưởng Saudi Aria Adel al-Jubeir đưa ra sau khi giới chức Iran có những lời lẽ chỉ trích dữ dội việc Saudi Arabia xử tử Giáo người dòng Shiite al-Nimr- một người được Iran hết sức kính trọng- với lý do “tham gia các tổ chức khủng bố” và “thực hiện nhiều âm mưu tội ác” cùng 46 người khác.

bieu_tinh_qngw.jpg
Cảnh sát Iran đụng độ với người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran. Ảnh EPA

Không những thế, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran cũng bị người biểu tình đốt phá để phản đối vụ hành quyết Giáo sĩ al-Nimr.

Tiêu tan hy vọng giải quyết khủng hoảng Trung Đông

Việc Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran diễn ra tại thời điểm Mỹ và các quốc gia phương Tây đang hy vọng, sự hợp tác- dù rất hạn chế- giữa hai bên có thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại Syria và Yemen cũng như hạ nhiệt căng thẳng tại một loạt quốc gia Trung Đông khác như Iraq, Bahrain, Lebanon…

Thay vì thế, vụ việc này làm dấy lên lo ngại về việc chia rẽ sắc tộc dẫn đến những cuộc chiến ủy nhiệm không cần thiết. “Đây là một sự leo thang rất đáng buồn”, ông Michael Stephens, nhà phân tích tại có trụ sở tại Royal United Services Institute có trụ sở ở London (Anh) nhận định.

“Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ gây ra những hệ lụy to lớn đối với người dân trong khu vực và điều này đồng nghĩa với việc tình hình bất ổn tại đây sẽ vẫn tiếp diễn”, ông Stephens nói.

Giới chức Mỹ cũng cho rằng, sự chia rẽ giữa Iran và Saudi Arabia là không có lợi cho những nỗ lực nhằm tạo ra hòa bình trong khu vực vốn đòi hỏi sự nhượng bộ của cả hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã kêu gọi 2 bên cần phải đối thoại với nhau. Ông Kirby nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng, việc hai bên duy trì quan hệ ngoại giao và tiến hành đối thoại trực tiếp là cần thiết để dẹp bỏ bất đồng và chúng tôi sẽ yêu cầu lãnh đạo các nước trong khu vực cần có những bước đi cụ thể để giải quyết căng thẳng”.

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng yêu cầu Iran không nên làm leo thang căng thẳng bằng cách trả đũa những hành động của phía Saudi Arabia.

Saudi Arabia- Iran: Tranh giành ảnh hưởng từ quá khứ

Bất chấp những nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa hai bên của Mỹ, mối quan hệ giữa 2 bên đang xuống đến mức thấp nhất trong vòng nhiều năm quan sau vụ xử tử Giáo sĩ al-Nimr.

Trước đó, quan hệ Saudi Arabia- Iran vốn cũng đã “cơm không lành canh chẳng ngọt” bởi hai bên ủng hộ những nhánh khác nhau của Đạo Hồi và từ lâu cũng là “kỳ phùng địch thủ” trong việc giành giật ảnh hưởng tại Trung Đông.

Việc tranh giành ảnh hưởng đã gia tăng rất nhanh trong nhiều năm qua kể từ khi cuộc chiến tranh Iraq và phong trào Mùa Xuân Arab đã làm thay đổi trật tự ở Trung Đông và tạo điều kiện để cả hai bên tìm ra những cách thức mới để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.

Phụ nữ Bahrain manh ảnh Giáo sĩ al- Nimr trong cuộc biểu tình phản đối việc Saudi Arabia giết hại Giáo sĩ dòng Shiite này. Ảnh AFP

Điều này đã đẩy Iran và Saudi Arabia về 2 chiến tuyến trong hàng loạt các cuộc xung đột chủ yếu là do yếu tố sắc tộc gây ra. Tại Bahrain, Saudi Arabia đã điều xe tăng vào để ủng hộ cho Hoàng tộc theo dòng Sunni chống lại đa số người dân theo dòng Shiite.

Tại Syria, trong khi Iran công khai ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad theo dòng Shiite thì Saudi Arabia lại đứng về phe đối lập theo dòng Sunni. Tại Yemen, Saudi Arabia cũng đã tiến hành nhiều vụ không kích chống lại phiến quân Houthi theo dòng Shiite.

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng lo ngại rằng, thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với nhóm P5+1 có thể giúp Tehran mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Ở phía ngược lại, Iran vẫn “chưa nguôi giận” vì cách hành xử của Saudi Arabia trong vụ giẫm đạp nhau ở nước này đợt lễ hành hương ở Mecca hồi tháng 9 khiến hơn 2.400 người thiệt mạng, trong đó có hơn 450 người Iran.

Dù vậy, hai bên vẫn “hết sức kiềm chế” tránh gây quan hệ căng thẳng với nhau và chỉ đến vụ Giáo sĩ al- Nimr bị hành quyết thì hai bên mới bắt đầu “khẩu chiến dữ dội” và quyết định cắt đứt quan hệ với nhau.

“Hòn bấc ném đi- hòn chì ném lại”

Vụ Giáo sĩal- Nimr bị xử tử không chỉ được coi là “việc nội bộ” giữa Saudi Arabia và Iran mà còn là “vấn đề chia rẽ sắc tộc trong khu vực”.

Những người Hồi giáo dòng Shiite chỉ trích Saudi Arabia vì giết hại một người mà theo họ là “theo đuổi con đường hòa bình”, trong khi đó, những người Hồi giáo dòng Sunni lên tiếng ca ngợi Saudi Arabia đang “mạnh tay tiêu diệt khủng bố”.

Tại Iran, Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố: “Bàn tay trả đũa của Đấng Tối cao sẽ xiết chặt cổ những chính trị gia Saudi Arabia”.

Người dân Iran đập phá Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran sau vụ Giáo sĩ al- Nimr bị hành quyết. Ảnh AP

Tổng thống Iran Hassan Rowhani cũng lên tiếng phản đối vụ xử tử Giáo sĩ al- Nimr. Tuy nhiên, ông Rowhani cảnh báo, việc người dân Iran đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran và Lãnh sự quán nước này ở Mashhad đã làm tổn hại đến hình ảnh của Iran.

“Chúng tôi không cho phép những kẻ nổi loạn có những hành động vi phạm pháp luật và hủy hoại hình ảnh thiêng liêng của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”, ông Rowhani tuyên bố.

Đáp lại, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cáo buộc Iran “phân biệt sắc tộc một cách mù quáng” và tìm cách giúp chủ nghĩa khủng bố lan tràn trong khu vực.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Jubeir sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và nhấn mạnh Saudi Arabia sẽ không để Iran làm tổn hại đến an ninh của nước này.

“Lịch sử Iran đầy những vụ can thiệp một cách tiêu cực và thù địch nhằm vào các nước Arab nhằm hủy hoại và tiêu diệt những linh hồn vô tội”, ông Jubeir tuyên bố.

Các chuyên gia cho rằng, những lời lẽ cứng rắn của cả 2 phía sẽ làm tình hình thêm xấu đi.

“Hai nước không hề tin tưởng lẫn nhau và tìm mọi cơ hội để làm leo thang căng thẳng”, ông Abbas Kadhim- chuyên gia về chính sách ngoại giao tại Đại học Johns Hopkins nhận định.

Cũng theo ông Kadhim, dù Saudi Arabia và Iran đều tỏ ra không muốn đối đầu trực diện, hai nước này có thể tìm cách tham gia vào các cuộc chiến ủy nhiệm.

“Cả hai bên sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ những nước mà họ ủy nhiệm trong cuộc chiến này và hành động đó sẽ càng khiến tình hình phức tạp thêm”, ông Kadhim nói./.