Hai nước đã triệu đại diện ngoại giao của nhau để phản đối xung quanh vụ việc này. Các nước có phần đông người Hồi giáo theo dòng Shiite trong khu vực, cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã lên tiếng phản đối vụ xử tử này.
Một người Hồi giáo dòng Shiite mang hình ảnh Giáo sĩ al-Nỉm đi biểu tình phản đối vụ hành quyết ông của Saudi Arabia. Ảnh AP |
Truyền hình nhà nước Iran ngày 2/1 đưa tin, chính phủ nước này đã triệu Đại biện lâm thời Saudi Arabia tại Tehran để phản đối vụ Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ al-Nimr - nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Saudi Arabia, nơi cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số lên tiếng bày tỏ sự bất mãn vì bị chính quyền cách ly.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari cáo buộc Chính phủ Saudi Arabia hỗ trợ khủng bố và các phần tử cực đoan Takfiri, trong khi lại hành quyết những người bất đồng.
Cùng ngày, những người biểu tình Iran phản đối việc Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ al-Nimr, đã đốt phá một số khu vực thuộc Lãnh sự quán Saudi Arabia tại thành phố Maskhad, Đông Bắc Iran. Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran cũng bị đám đông người biểu tình tấn công và ném bom xăng.
Trong một động thái đáp trả, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo đã triệu Đại sứ Iran tại Riyadh để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những tuyên bố "thù địch" của Iran về vụ Vương quốc này hành quyết Giáo sĩ al-Nimr.
Hãng tin nhà nước SPA dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết, bộ này "đã trao cho Đại sứ Iran công hàm phản đối mạnh mẽ tuyên bố hung hăng của Iran về bản án được thực thi ngày 2/1 đối với các phần tử khủng bố ở Saudi Arabia".
Trước đó, Saudi Arabia đã hành quyết 47 đối tượng bị kết tội có tư tưởng takfiri cực đoan, gia nhập "các tổ chức khủng bố" và thực hiện nhiều "âm mưu tội ác", trong đó có Giáo sĩ al-Nimr.
Trong số 47 người bị hành quyết có 45 công dân Saudi Arabia, 1 người Ai Cập và 1 người Cộng hòa Sát. Danh sách cũng bao gồm những người Hồi giáo dòng Sunni bị kết tội tham gia các cuộc tấn công đẫm máu năm 2003 và 2004 do mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda thực hiện, làm nhiều người Saudi Arabia và người nước ngoài thiệt mạng.
Vụ xử tử Giáo sĩ al-Nimr cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khu vực. Hội đồng Hồi giáo Shiite Tối cao của Lebanon cho rằng, Saudi Arabia đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.
Tại Bahrain, cảnh sát nước này đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông vài trăm người biểu tình ở làng Abu-Saiba, phía Tây thủ đô Manama, phản đối việc Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ dòng Shiite al-Nimr.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng cho rằng, vụ xử tử ông al-Nimr có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh khu vực.
Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, vụ Saudi Arabia xét xử Giáo sĩ al-Nimr sẽ gây căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia với các nước khác trong khu vực, đặc biệt là những nước có phần đông là người Hồi giáo dòng Shiite.
Nhà phân tích Joseph Kechichian, thuộc trung tâm nghiên cứu Hồi giáo King Faisal tại Beirut của Lebanon cho rằng: “Việc Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ al-Nimr này có thể dẫn tới sự đối đầu nghiêm trọng giữa người Shiite và người Sunni. Thực tế là nó đã vượt qua cả phạm vi chính trị.
Không chỉ người Shiite mà nhiều người trên thế giới đều phản đối vụ việc này. Nó không chỉ làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Saudi Arabia với các nước khác có đông người Shiite trong khi vực, đặc biệt là Iran, bởi vấn đề Sunni và Shiite lâu nay vẫn là thách thức chính trị giữa 2 nước đối đầu trong khu vực này và cả hai nước đều muốn giành ảnh hưởng lớn trong khu vực”.
Mỹ đã cảnh báo Saudi Arabia, quốc gia có người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số, rằng việc xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite al-Nimr sẽ khiến nước này phải đối mặt với "nguy cơ gia tăng căng thẳng tôn giáo".
Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ xử tử Giáo sĩ An Nim, đồng thời cảnh báo, vụ việc này có thể gây ra "các hậu quả nghiêm trọng" đối với khu vực.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Đức giấu tên đã bày tỏ quan ngại về việc Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ al-Nimr, đồng thời tái khẳng định lập trường của Đức rằng án tử hình là một hình phạt vô nhân đạo./.