Trong một phát biểu qua video ngày 18/4, Tổng thống Ukraine cho biết: “Quân đội Nga đã bắt đầu trận chiến Donbass”. Ông nói thêm: “Một bộ phận lớn của quân đội Nga hiện đang tập trung vào cuộc tấn công này. Dù có bao nhiêu binh sỹ Nga được điều động đến đó, chúng tôi sẽ chiến đấu. Chúng tôi sẽ bảo vệ chính mình”.
Bình luận nêu trên báo hiệu một cuộc tấn công lớn của Nga ở phía Đông đang được tiến hành. Cả hai bên tham chiến đấu nhận thức được rằng, dù bên nào giành chiến thắng thì tương lai của cuộc chiến sẽ được quyết định trong trận đánh này.
Nga cần Donbass để “dằn mặt” phương Tây
Khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bước sang tháng thứ 2, Tổng thống Putin đã đối mặt với một tình huống khó xử: triển khai tất cả các lực lượng bảo vệ những vùng lãnh thổ mà họ đã giành quyền kiểm soát ở phía Bắc Kiev và điều động lực lượng mới để tiến đánh Kiev, hoặc là tập trung vào Donbass với mục tiêu bao vây 40.000 quân Ukraine và rút hoàn toàn 70.000 binh sỹ Nga khỏi phía Bắc Kiev. Cuối cùng ông đã lựa chọn giải pháp thứ 2.
Theo nhiều nhà phân tích, từ kinh nghiệm đúc rút từ 2 thập kỷ trước đó, kể từ cuộc chiến tranh Chechnya, Tổng thống Putin có lẽ nhận ra rằng, để giành quyền kiểm soát 1 thành phố với gần 3 triệu dân, Nga sẽ cần huy động ít nhất vài trăm nghìn quân trong khi phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Vì thế việc thay đổi hướng đi và lựa chọn Donbass làm mục tiêu chính sẽ đảo ngược những điều kiện cản trở các nỗ lực của ông tại Kiev, mang lại cho quân đội Nga lợi thế lớn và đặt Ukraine vào tình thế bất lợi.
Donbass là trung tâm công nghiệp của Ukraine với dân số chủ yếu nói tiếng Nga. Nơi đây có các lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với quân chính phủ Ukraine trong suốt 8 năm qua. Trong những tuần vừa qua, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố việc “giải phóng” Donbass là mục tiêu chính của chiến dịch quân sự. Tổng thống Putin cho biết: "Các mục tiêu của chiến dịch hoàn toàn rõ ràng và cao cả", và thêm rằng Moscow “chắc chắn sẽ đạt được những mục tiêu này”.
Sau khi rút khỏi khu vực phía Bắc và thủ đô Kiev, Nga đã tập hợp lại lực lượng và tăng cường triển khai bộ binh tại phía Đông để chuẩn bị cho một trận chiến quyết định.
Đối với Nga, việc giành quyền kiểm soát Donbass, trải dài qua các khu vực Donetsk và Luhansk là yếu tố quan trọng để khôi phục vị thế sau khi vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ tại Kiev. Chiến thắng của Nga trong khu vực sẽ không chỉ tọa áp lực với phương Tây mà còn có thể cứu vãn mục tiêu chiến tranh của Moscow. Bằng cách tăng cường binh sỹ và hỏa lực trên khắp miền Đông, Nga sẽ tìm cách tận dụng tốt hơn sức mạnh quân sự của mình so với các lực lượng Ukraine.
Theo các nhà quan sát, thành công của Nga ở phía Đông cũng có thể thúc đẩy Tổng thống Putin mở rộng cuộc tấn công trên khắp Ukraine và lật đổ chính quyền Zelensky. Phương Tây vẫn coi đây là mục tiêu cuối cùng trong cuộc tấn công của Nga. Trái lại, việc thua cuộc ở Donbass có thể khiến chiến dịch quân sự của ông Putin ở Ukraine trở thành “thất bại lịch sử”.
Ukraine muốn gia tăng đòn bẩy trong đàm phán với Nga
Nếu các lực lượng Ukraine có thể ngăn cản quân đội Nga đạt được các mục tiêu ở Donbass thì điều này sẽ giúp họ gia tăng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình và giáng đòn mạnh vào chiến dịch quân sự của Nga, trừ khi Tổng thống Putin chọn lựa ra cú đòn quyết định bằng một cuộc tấn công hạt nhân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng cảnh báo, việc mất Donbass có thể đe dọa sự an nguy của thủ đô Kiev. Phát biểu với CNN cuối tuần qua, ông Zelensky cho biết: “Đối với chúng tôi, trận chiến giành Donbass rất quan trọng vì nhiều lý do khác nhau. Trước hết là vì sự an toàn. Các lực lượng được triển khai tại Donbass là lực lượng tốt nhất của chúng tôi. Đây là một lực lượng lớn vì thế Nga muốn bao vây và tiêu diệt họ. Nhưng chúng tôi sẽ không cho phép họ làm điều đó vì cuộc chiến tại Donbass có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện chiến tranh”.
Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Ukraine đã có một số lợi thế do các điều kiện giao tranh đô thị ở những thị trấn và làng mạc bao quanh Kiev mang lại. Nhưng ở giai đoạn hai, nếu Nga tập trung toàn bộ sức mạnh tại vùng nông thôn Donbass và sử dụng các tên lửa tầm xa bắn từ lãnh thổ Nga thì các lực lượng Ukraine sẽ phải đối phó với thách thức lớn chưa từng có. Chưa kể quân đội Ukraine không có điều kiện để tạm dừng hoạt động, di chuyển ra khỏi khu vực chiến sự, nghỉ ngơi và tiếp tế. Không giống Nga, Ukraine khó huy động toàn bộ nhân lực từ phía Bắc sang phía Đông vì cần giữ lực lượng phòng thủ ở thủ đô Kiev và các khu vực xung quanh. Điều đó đồng nghĩa với việc, các lực lượng của Ukraine đang đồn trú tại phía Đông sẽ là lực lượng chủ đạo đối phó với cuộc tấn công của Nga.
Để đánh bại cuộc tấn công của Nga tại Donbass, quân đội Ukraine phải có khả năng tiến hành các cuộc phản công cơ động. Hoạt động này sẽ phức tạp hơn nhiều so với giao tranh tại Kiev vì nó đòi hỏi sự phối hợp giữa lực lượng không quân và lực lượng bộ binh, với việc triển khai máy bay yểm trợ các cuộc tấn công dưới mặt đất và có rất ít thời gian để lên kế hoạch.
Chưa kể, khi chiến đấu tại Donbass, các quân đội Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp tế cho các đơn vị của họ, bởi Nga đã thành công trong việc tấn công các tuyến đường tiếp tế của Ukraine nằm giữa Kiev và Donbass.
Liệu cuộc chiến tại Donbass có phải là chương cuối cùng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hay chỉ là giai đoạn tiếp theo, vẫn cần phải xem xét. Nhưng các nhà quan sát đều cho rằng đây sẽ là trận chiến ác liệt nhất và đẫm máu nhất kể từ khi Nga phát động quân sự tại Ukraine, bởi cả hai bên đều quyết tâm giành chiến thắng.
Markian Dobczansky, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Ukraine thuộc Đại học Harvard nhận định: “Donbass là tiền tuyến trong 8 năm qua, vì thế các cứ điểm quân sự của cả hai bên đều được củng cố cực kỳ tốt”. Theo ông Dobczansky, ranh giới của cuộc xung đột hầu như không dịch chuyển trong nhiều năm qua, kể từ khi các lực lượng ly khai thân Nga chiến đấu chống lại lực lượng chính phủ vào năm 2014./.