Nga và Ukraine dồn quân về phía Đông
Mục tiêu chính của Nga hiện giờ là “giải phóng” khu vực Donbass. Không giống như giai đoạn đầu của cuộc xung đột kéo dài 6 tuần, sự thay đổi này đang buộc các lực lượng Ukraine phải chiến đấu trong một cuộc chiến có sự tham gia của xe tăng, pháo binh và máy bay chiến đấu trên địa hình bằng phẳng, cho phép Nga phát huy lợi thế vượt trội về trang thiết bị quân sự.
Video do truyền thông Nga đăng tải cho thấy các đơn vị xe tăng, pháo binh và nhiều lực lượng khác của Nga đã rút khỏi các khu vực quanh Kiev và tiến về miền Đông trong những ngày gần đây. Theo đánh giá của tình báo Mỹ, Nga dường như đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn từ Izyum đến thành phố Dnipro, nơi được xem như chốt chặn mở ra đường tiến vào các thành phố khác của vùng Donbass. Trong khi đó, Ukraine cũng bắt đầu di chuyển các đơn vị chiến đấu từ khu vực phía Bắc tới Donbass.
Hiện giao tranh dọc giới tuyến ở Donbass và các khu vực lân cận vẫn diễn ra hàng ngày. Các lực lượng Nga đang cố gắng đẩy lùi quân đội Ukraine ra khỏi phía Nam Izyum. Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, thời điểm diễn ra một chiến dịch quân sự lớn sẽ phụ thuộc vào phía Nga. Moscow có thể thúc đẩy một cuộc tấn công lớn bằng các lực lượng sẵn có ở khu vực miền Đông hoặc chờ đợi thêm một vài tuần để tái bố trí các đơn vị ở phía Bắc Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ khẩn cấp trước vòng xung đột mới này, đồng thời cảnh báo rằng Nga vẫn chưa “từ bỏ tham vọng khuất phục Ukraine”. “Nga vẫn đủ khả năng để triển khai các phương tiện thiết giáp mới và điều động các lực lượng quân đội mới trên đất của chúng tôi. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa và Ukraine cũng cần thêm nhiều vũ khí hơn nữa”, ông Zelensky cho biết trong một thông điệp qua video.
Nhà chức trách Ukraine cuối tuần qua đã hối thúc người dân tại các khu vực do chính phủ nước này kiểm soát ở miền Đông Ukraine sử dụng mọi phương tiện sẵn có để rời đi ngay lập tức.
Để chuẩn bị cho hoạt động quân sự sắp tới, Nga đã bổ nhiệm Tướng lục quân Alexander Dvornikov, Tư lệnh Quân khu miền Nam làm tư lệnh trong chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Ông Dvornikov, 61 tuổi, từng là chỉ huy đầu tiên trong chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.
Nga chưa đưa ra thông báo chính thức về vai trò của Tướng Dvornikov, song giới quan sát nhận định rằng, là một tư lệnh dày dặn kinh nghiệm trên chiến trường, ông Dvornikov có thể giúp nâng cao sự phối hợp trong chiến dịch quân sự tại vùng Donbass.
Wall Street Journal dẫn nhận xét của một số nhà phân tích quân sự cho rằng, quân đội Nga đến nay không dễ dàng đạt các mục tiêu ở Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc chiến khi Moscow tiến hành tấn công Ukraine từ nhiều hướng bởi các chỉ huy của bốn quân khu của Nga đã hành động một cách độc lập và thiếu sự thiếu phối hợp. Do vậy, Moscow rất cần một chỉ huy tập trung trên chiến trường.
Theo lập luận của phương Tây, sự kháng cự mạnh mẽ của quân đội Ukraine đã khiến Nga không thể giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev và các thành phố lân cận. Nhưng người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga lý giải, Moscow không có ý định tiến công ồ ạt vào những thành phố này mà họ muốn tấn công các lực lượng Ukraine đến mức họ không thể triển khai đến Donbass. Quan chức này khẳng định, Nga đã hoàn thành giai đoạn đầu, trong đó có mục tiêu "trói chân" các lực lượng và thiết bị của đối phương khi khiến họ phải phòng thủ ở các trung tâm dân cư lớn như Kiev.
Theo đánh giá, tình hình đang có lợi hơn cho Nga ở mặt trận Donbass. Tuyến đường tiếp tế ngắn hơn và sự tập trung vào một khu vực nhất định cho phép Nga tiến hành yểm trợ trên không hiệu quả hơn. Michael Kofman, chuyên gia về quân sự Nga tại CNA, một tổ chức tư vấn của Washington nhận định quyết định chuyển hướng tập trung sang phía Đông dường như là dấu hiệu cho thấy Nga "đang điều chỉnh các mục tiêu chiến dịch" để ưu tiên cho những nơi họ thực sự có thể giành được thành công.
Moscow thay đổi chiến thuật, Kiev muốn viện trợ vũ khí hạng nặng
Tình hình khác biệt ở miền Đông, với việc các đội hình lớn đối đầu nhau thay vì các cuộc tấn công của những đơn vị nhỏ như trước đây, là lý do chính khiên Ukraine nói rằng, nước này cần gấp các vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như pháo binh, xe tăng và pháo phòng không mà hầu hết các nước phương Tây đều ngần ngại chuyển giao.
Phát biểu sau cuộc họp với bộ trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: “Cuộc chiến ở Donbass sẽ khiến bạn nhớ đến Chiến tranh Thế giới thứ 2 với các cuộc hành quân và tấn công quy mô lớn, có sự tham gia của hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép, máy bay và pháo binh. Dựa trên những gì chúng tôi quan sát thấy trong quá trình chuẩn bị của Nga, đây không phải là hoạt động quy mô nhỏ”.
“Hoặc các bạn giúp chúng tôi ngay bây giờ, hoặc sự giúp đỡ của các bạn diễn ra quá muộn và rất nhiều người sẽ chết”, ông Dmytro Kuleba nhấn mạnh khi kêu gọi viện trợ của phương Tây.
Ukraine ban đầu đề nghị được chuyển giao những vũ khí hạng nặng do Liên Xô chế tạo mà quân đội của nước này quen sử dụng, nhưng trong bối cảnh xung đột kéo dài và sau khi Nga thay đổi chiến thuật, dựa nhiều hơn vào pháo binh, phòng không và tên lửa tầm xa để tiến hành tấn công, Kiev muốn được sở hữu các vũ khí hạng nặng theo tiêu chuẩn NATO.
Hiện, các nhà lãnh đạo phương Tây đang tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 9/4 tuyên bố sẽ cung cấp cho Kiev 120 xe bọc thép và các hệ thống tên lửa chống hạm mới. Mỹ thông báo khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 400 triệu USD cho Ukraine trong tháng này, bên cạnh khoản viện trợ 1,4 tỷ USD kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra ngày 24/2. Mỹ đã và đang cung cấp tên lửa Javelin, tên lửa Stinger, hàng trăm máy bay không người lái và radar chống đạn pháo cho Ukraine, nhưng không có bất cứ vũ khí hạng nặng nào theo yêu cầu của Kiev. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có Séc cung cấp cho Ukraine xe tăng T72M có từ thời Liên Xô và Slovakia chuyển giao hệ thống phòng không S-300 sau khi tiếp nhận hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.
Về phần mình, Nga nhiều lần cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. "Chúng tôi đã cảnh báo Mỹ rằng bơm vũ khí cho Ukraine từ một số nước vừa là động thái nguy hiểm, vừa biến những đoàn xe này thành mục tiêu chính đáng", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố vào giữa tháng 3.
Mặt trận quyết định tiếp theo
Quân đội Nga được cho là sẽ cố gắng chặn đứng đà tiến các lực lượng Ukraine tiếp cận với khu vực phía Đông và thiết lập tuyến liên kết với các đơn vị đã được triển khai trên khắp khu vực trước đó. Điều đó có nghĩa là sự tập trung sẽ nhanh chóng chuyển sang thành phố Sloviansk – nằm cách thủ đô Kiev 650km về phía Đông khi quân đội Nga tiến từ Izium tới Donbass. Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ nhận định: “Các nỗ lực của Nga tiến từ Izyum để giành quyền kiểm soát Slovyansk có thể khiến đây là mặt trận then chốt tiếp theo trong cuộc chiến tại Ukraine”.
Theo ISW, “nếu các lực lượng Nga không thể giành quyền kiểm soát Slovyansk, thì cuộc tấn công trực diện của Nga ở Donbass khó có thể chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine”.
Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine thừa nhận, “tình hình khó khăn nhất” mà các lực lượng của nước này đang phải đối mặt là ở miền Đông. “Tình hình rất khó khăn, theo hướng Sloviansk và Kramatorsk. Đây là giai đoạn mấu chốt của cuộc chiến. Tôi tin rằng kết quả của cuộc chiến sẽ phụ thuộc phần lớn vào giao tranh tại khu vực phía Đông”.
Jonathan Flint, nhà nghiên cứu quân sự tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland tin rằng, có hai con đường để Nga cố gắng đạt được các mục tiêu quân sự mới của mình.
Phát biểu với CNBC ông Jonathan Flint nói: “Một là Nga sẽ rút lui đến nơi an toàn tương đối, và sử dụng cơ hội này để tái vũ trang, tái tổ chức và củng cố lực lượng của họ để chuẩn bị một cuộc tiến công mạnh hơn và được tổ chức tốt hơn vào các vùng lãnh thổ ở miền Đông do Ukraine nắm giữ”. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải là không có rủi ro".
“Lựa chọn khác sẽ là cố thủ ở những khu vực này, khiến cho quân đội Ukraine không thể đánh chiếm lại chúng. Bước đi này có vẻ hợp lý hơn với Nga. Bằng cách tạo ra một cuộc xung đột đóng băng, về cơ bản, Nga sẽ ngăn Ukraine gia nhập EU hoặc NATO trong tương lai”./.