Không phải tất cả thông tin đều được chia sẻ
Giám đốc cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns ngày 14/4 thừa nhận Mỹ đang chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine.
“Chúng tôi đã cam kết chia sẻ thông tin tình báo nhanh chóng và hiệu quả cho các đối tác Ukraine, xuyên suốt cuộc giao tranh và nhiều tháng trước đó”, ông William Burns nói.
Quan chức này nhấn mạnh, việc công khai thông tin tình báo trước ngày 24/2 – thời điểm Nga tấn công Ukraine là điều quan trọng vì “chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về việc Tổng thống Putin đã cố gắng đổ lỗi cho phía Ukraine để kích động xung đột”. Ông William Burns nhận định, cuộc chiến có thể kéo dài và Tổng thống Putin đang muốn khôi phục vị thế của nước Nga trên thế giới.
Theo AP, kể từ khi chiến tranh Nga-Ukrainenổ ra vào cuối tháng 2, chính quyền Biden đã thực hiện nhiều thay đổi đối với một chỉ thị tuyệt mật nhằm điều chỉnh những gì mà mà các cơ quan tình báo của Mỹ cần phải cung cấp cho Ukraine.
Không phải tất cả những thông tin mà Mỹ thu thập được đều được chia sẻ. Việc xác định ranh giới phụ thuộc vào vấn đề bảo vệ nguồn tin và phương pháp tình báo, nhưng cũng cần phải hạn chế nguy cơ gây leo thang căng thẳng với Nga – quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân.
Những thay đổi mới nhất diễn ra vào tuần trước khi các quan chức tình báo Mỹ dỡ bỏ một số hạn chế địa lý đối với việc cung cấp thông tin có khả năng thúc đẩy hành động (loại thông tin được sử dụng để đưa ra quyết định ngay lập tức trên chiến trường). Theo một số nguồn thạo tin, các quan chức Mỹ đã loại bỏ thông tin giới hạn vị trí cụ thể của các mục tiêu tiềm năng tại nhiều khu vực ở miền Đông Ukraine.
Sự thay đổi các quy định về cung cấp thông tin tình báo phản ánh thay đổi trong tính toán của chính quyền Biden về những gì mà Tổng thống Putin coi là hành động gây leo thang căng thẳng. Mỹ đã nỗ lực tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng của Ukraine, trong đó có việc chuyển giao nhiều loại vũ khí và thiết bị phòng thủ. Nhà Trắng cho biết, Mỹ đã cung cấp hơn 1,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra. Lầu Năm Góc trong tuần này cũng công bố khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 800 triệu USD, có thể bao gồm những vũ khí hạng nặng như xe bọc thép và máy bay trực thăng.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, Washington vẫn phản đối việc thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine hoặc từ chối đề nghị của Ba Lan chuyển giao giúp máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine vì lo ngại điều đó có thể đẩy Washington vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow.
Ngoài ra, chỉ thị mới vẫn hạn chế việc cung cấp cho Ukraine thông tin về các lực lượng ở Nga và ở nước láng giềng Belarus. Vẫn chưa rõ Mỹ có trì hoãn hoặc hạn chế cung cấp thông tin cho Ukraine về một mục tiêu cụ thể của Nga tại những khu vực như Bán đảo Crimea hay các vùng lãnh thổ ly khai ở Donbass mà Moscow vừa công nhận độc lập hay không.
Một quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho biết: “Chính quyền đang cung cấp thông tin tình báo chi tiết, kịp thời cho người Ukraine trên nhiều mặt trận”.
Sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa
Hồi đầu tuần này, các nghị sỹ Cộng hòa tại Ủy ban Tình báo Thượng viện đã gửi thư hối thúc Giám đốc tình báo Quốc gia Avril Haines “chủ động chia sẻ thông tin tính báo với Ukraine để giúp họ bảo vệ, phòng thủ và giành lại từng tấc đất, trong đó có cả Crimea và Donbass”.
Họ bày tỏ quan ngại sâu sắc rằng “Mỹ vẫn chưa chia sẻ đủ thông tin tình báo quan trọng dể hỗ trợ Ukraine khi các lực lượng Nga tiến về khu vực phía Đông và phía Nam của nước này”. Tuy vậy, các nghị sỹ đảng Dân chủ không ký tên trong lá thư. Điều đó phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa lưỡng đảng liên quan đến việc chia sẻ thông tin tình báo cho Ukraine.
Về phần mình Nhà Trắng khẳng định họ đang cung cấp các thông tin phù hợp với mục tiêu hiện tại của Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 3, Hạ nghị sĩ Adam Smith - Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện cho biết, Nhà Trắng đang giữ lại một số thông tin tình báo bởi vì nếu công bố những thông tin này không khác gì việc “Mỹ sẽ bước qua ranh giới để tham gia trực tiếp vào cuộc chiến”.
Giới phân tích cho rằng, sau gần 50 ngày giao tranh, cuộc chiến tại Ukraine đang bước vào một giai đoạn mới, với việc cả Nga và Ukraine đều chuyển trọng tâm sang các khu vực ở phía Nam và phía Đông Ukraine. Mục tiêu chiến lược sẽ thành phố cảng Mariupol.
Để chuẩn bị cho hoạt động quân sự mới, Nga đã bổ nhiệm Tướng lục quân Alexander Dvornikov, Tư lệnh Quân khu miền Nam làm tư lệnh trong chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Còn Tổng thống Ukraine Zelensky cũng kêu gọi phương Tây tăng cường hỗ trợ vũ khí hạng nặng.
Ông Franz-Stefan Gady - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London nhận định: “Đây sẽ là một trận chiến quy mô lớn với hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu. Cuộc chiến sẽ cực kỳ khốc liệt. Phạm vi của các hoạt động quân sự về cơ bản sẽ khác biệt so với bất cứ điều gì mà khu vực đã chứng kiến trước đây”.
Ở thời điểm hiện tại, tình báo Mỹ đánh giá chiến dịch quân sự của Nga đang diễn tiến không thuận lợi như dự kiến, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đưa ra điều chỉnh chiến lược và tăng cường sức ép để thay đổi tình thế./.