Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mark Milley và người đứng đầu Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ Frank McKenzie ngày 28/9 đã đối mặt với những câu hỏi chất vấn từ Ủy ban quân vụ Thượng viện.

Các thành viên trong ủy ban liên tiếp đặt câu hỏi vì sao sự hiện diện quân sự của Mỹ kết thúc bằng hình ảnh những người Afghanistan đu bám trên máy bay di tản, vì sao vụ tấn công bằng UAV lại khiến 10 dân thường Afghanistan thiệt mạng, và tại sao các công dân Mỹ và Afghanistan từng giúp Mỹ trong cuộc chiến dài nhất ở nước ngoài bị bỏ lại trong nỗ lực sơ tán trong tháng 8 vừa qua.

Cuộc chiến ở Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc

Cả ông Milley và McKenzie, tư lệnh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông, đều thừa nhận rằng, dù không còn binh sỹ Mỹ trên thực địa, nhưng cuộc chiến ở Afghanistan hay cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc.

Khi Thượng nghị sỹ (đảng Cộng hòa) bang Bắc Carolina Thom Tillis đặt câu hỏi liệu cả 2 nỗ lực quân sự nêu trên đã kết thúc hay chưa, cả 2 vị tướng đều trả lời vẫn chưa.

“Cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa kết thúc và cuộc chiến ở Afghanistan cũng vậy”, tướng McKenzie nói.

Thượng nghị sỹ Tillis cũng hỏi rằng, sau khi rút quân khỏi Afghanistan, việc bảo vệ nước Mỹ khỏi các mối đe dọa tiềm tàng sẽ dễ dàng hơn hay khó khăn hơn. Cả tướng Milley và tướng McKenzie trả lời nhiệm vụ này gặp “nhiều thách thức hơn”.

Các tướng quân đội đều ủng hộ duy trì binh sỹ ở Afghanistan

Cả tướng Milley và tướng McKenzie đều nói rằng họ ủng hộ việc duy trì khoảng 2.500 binh sỹ Mỹ ở Afghanistan.

Ông Milley cho biết ông đưa ra quan điểm này từ mùa thu năm 2020 và cho tới nay vẫn “trước sau như một”. Mỹ nên duy trì khoảng 2.500 quân và có thể tăng lên 3.500 binh sỹ tại Afghanistan để hướng tới một giải pháp được đàm phán giữa các bên.

Trong khi Tướng McKenzie và Tướng Milley không bình luận về các cuộc trao đổi với Tổng thống Joe Biden sau khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, cả 2 vẫn khẳng định quan điểm của họ là tiếp tục duy trì khoảng 2.500 lính Mỹ ở Afghanistan.

Bộ trưởng Austin cũng nói với Ủy ban quân vụ Thượng viện rằng Tổng thống Biden đã nhận được các thông tin và đã cân nhắc trước khi đưa ra quyết định rút quân vào tháng 4 năm nay.

Khi Thượng nghị sỹ (đảng Cộng hòa) bang Arkansas Tom Cotton hỏi tướng Milley rằng, vì sao ông không từ chức sau khi Tổng thống Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan, Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân trả lời rằng, nhiệm vụ của ông là đưa ra “lời khuyên” cho Tổng thống, nhưng “Tổng thống không đồng tình với lời khuyên đó”.

“Đất nước này không cần các tướng lĩnh tính toán những yêu cầu nào có thể chấp nhận và thực hiện và những yêu cầu nào không thể. Đó không phải là công việc của chúng tôi. Nguyên tắc kiểm soát dân chủ của quân đội là tuyệt đối và điều đó rất quan trọng đối với nền cộng hòa này”, ông Milley nói.

Kiểm soát al Qaeda và IS giờ sẽ khó khăn hơn

Tướng McKenzie tin rằng, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ sẽ khó ngăn chặn các tổ chức khủng bố trỗi dậy trong khu vực khi Mỹ không còn ở Afghanistan.

“Chúng tôi vẫn có khả năng tìm hiểu mọi việc ở Afghanistan” từ các trụ sở của Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ, nhưng sẽ rất hạn chế, tướng McKenzie nói.

Tư lệnh McKenzie cũng nói rằng ông không tự tin vào khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn IS và al Qaeda sử dụng Afghanistan như một bàn đạp cho các hoạt động khủng bố trong tương lai.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ vẫn phải xem al Qaeda và IS sẽ làm thế nào để chống lại Taliban, chúng ta cũng phải xem Taliban sẽ làm những gì. Tôi không thể nói điều đó đã diễn ra hay chưa. Chúng ta sẽ làm được điều đó, nhưng ở thời điểm này, tôi chưa đủ tự tin để đưa ra tuyên bố chắc chắn”, ông McKenzie nói,

Thỏa thuận Doha làm “mất tinh thần” các lực lượng Afghanistan

Cả Tướng Milley, TướngMcKenzie và Bộ trưởng Quốc phòng Austin đều nói rằng, thỏa thuận Doha, đạt được từ thời chính quyền Donald Trump, đã làm mất tinh thần của lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan.

Tướng McKenzie gọi thỏa thuận này là “chất xúc tác” làm mất tinh thần quân đội Afghanistan.

Theo Bộ trưởng Austin, thỏa thuận “có tác động đáng kể đối với tinh thần các binh sỹ”. Ông tin rằng sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng Afghanistan là do nhiều yếu tố, trong đó có việc mất tinh thần sau thỏa thuận Doha, sự lãnh đạo yếu kém nội bộ các lực lượng này và tham nhũng trong chính phủ Afghanistan.

Tín nhiệm của Mỹ đã bị hủy hoại

Tướng Milley cho rằng, tín nhiệm của Mỹ đã bị hủy hoại sau khi rút quân khỏi Afghanistan, kéo theo đó là việc rút quân của binh sỹ các đồng minh NATO ở Afghanistan.

“Tôi nghĩ tín nhiệm của chúng ta từ các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, thậm chí cả kẻ thù, đang bị họ xem xét lại. ‘Hủy hoại’ là từ có thể sử dụng ở đây”, Tướng Milley nói với Thượng nghị sỹ (đảng Cộng hòa) bang Mississippi Roger Wicker.

Trong ngày 29/9 (theo giờ địa phương), cả 3 lãnh đạo hàng đầu của quân đội Mỹ sẽ trả lời chất vấn trước Ủy ban quân vụ Hạ viện về cuộc rút quân khỏi Afghanistan./.