Đó có thể là những khoảnh khắc hạnh phúc, như khi 24 em bé được sinh ra tại đây hay đám cưới tổ chức vào cuối tuần qua. Hoặc đó là cuộc chuyện trò chia sẻ về cú sốc tinh thần của những người Afghanistan tị nạn hoặc vài người đang thu quần áo trên những chiếc bàn gấp ở Làng Tự do sau khi đã mất gần như tất cả mọi thứ.
Nhưng có một cảm nhận rằng, cuộc sống mới phía trước đang dần mở ra đối với hơn 9.300 người Afghanistan đã tới đây và gọi căn cứ quân sự Mỹ ở New Jersey này là nhà suốt hơn 1 tháng qua.
Căn cứ liên hợp McGuire-Dix-Lakehurst là 1 trong 8 địa điểm tại Mỹ đang tiếp nhận hàng chục nghìn người Afghanistan đã rời khỏi đất nước trên những chuyến bay sơ tán khi Mỹ rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8.
Để khiến những người Afghanistan có cảm giác được chào đón, các quan chức ở đây gọi họ là “những vị khách”.
Khung cảnh xung quanh cho thấy rõ những thách thức. Các nhóm xây dựng đang dọn dẹp sỏi đá để lấy chỗ dựng thêm lều cho những người tị nạn. Quần áo vắt trên những hàng rào nối nhau để phơi khô. Trẻ em ở khắp mọi nơi.
Dù không phải là điều bất ngờ, nhưng những thách thức chưa từng thấy vẫn hiện hữu, đặc biệt là trong khía cạnh sức khỏe tinh thần.
“Mọi người ở đây đều vừa trải qua cú sốc lớn khi rời đất nước Afghanistan”, một quan chức quân đội Mỹ cho biết khi báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin bên ngoài một khu ký túc xá chỉ dành cho phụ nữ.
Khi tới thăm Làng Tự do ngày 27/9 Bộ trưởng Austin đã chúc mừng cột mốc 11 người trong 2 gia đình Afghanistan trở thành những người đầu tiên được rời căn cứ để tái định cư tại Mỹ.
Đó chỉ là một bước nhỏ và là dấu hiệu cho thấy khối công việc khổng lồ vẫn còn phía trước.
“Tôi biết điều này không dễ dàng gì. Tôi biết chúng ta đã phải làm mọi việc cùng nhau chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng các bạn đã làm được rất nhiều việc”, ông Austin nói với các nhân viên tại căn cứ Mỹ.
“Tôi muốn trở thành cư dân”
Chuyến thăm ngày 27/9 là lần đầu tiên các phóng viên được phép tới Làng Tự do. Căn cứ này có lịch sử tiếp nhận những người tị nạn. Năm 1999, nơi đây đã tiếp nhận hơn 4.000 người sơ tán khỏi chiến tranh ở Kosovo.
Khi những người Afghanistan tới đây, họ được phát vòng tay có mã số nhận dạng duy nhất. Một số người may mắn được ở trong các ký túc xá. Phần lớn những người khác ở trong các lều lớn và chỉ có tấm rèm để ngăn cách sự riêng tư giữa các gia đình.
Cộng đồng xung quanh căn cứ đã quyên tặng mọi thứ, từ đồ dùng học tập, đồ chơi cho tới chăn mền.
Ban đầu, các nhân viên tại căn cứ quân sự này gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các món đồ quyên tặng. Khi Làng Tự do mở rộng, các hoạt động mua bán bắt đầu diễn ra và giới chức khuyến khích người dân gửi tặng thẻ điện tử thay vì quyên góp vật chất cho những người sơ tán.
Tuy nhiên, không phải ai cũng để ý tới điều này. Trong một sự kiện gặp gỡ với nghị sỹ khu vực, một người dân địa phương cho biết cô đã tới một địa điểm thu nhận đồ quyên góp và nhìn thấy “rất nhiều túi đồ bị để ngoài trời mưa”.
“Hiện giờ tôi có rất nhiều thùng, hộp đựng những thứ mà tôi đã mua và muốn tặng cho họ”, cô cho biết.
Hiện chưa rõ Làng Tự do sẽ tồn tại trong bao lâu. Các quan chức chính phủ Mỹ đã thành lập các văn phòng tạm thời để giải quyết nhanh thủ tục, giấy tờ cho người Afghanistan, rút ngắn quy trình đôi khi kéo dài hàng năm xuống còn vài tuần hoặc vài tháng để cho phép họ tái định cư.
Tuy nhiên, có một điều rất rõ ràng, Làng Tự do sẽ phải đối mặt với mùa đông lạnh giá sắp tới khi có thêm nhiều người từ các căn cứ của Mỹ ở nước ngoài dự kiến được đưa tới đây.
Những người Afghanistan ở đây cũng dần ổn định. Một nhóm phụ nữ đã mở một cửa hàng làm đẹp, giúp trang điểm cho cô dâu trong lễ cưới cuối tuần qua.
Trở lại Afghanistan, các đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, những cơ sở làm đẹp đã sơn xóa hình ảnh phụ nữ trên tường từ sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul. Trong giai đoạn Taliban cai trị 1996-2001, trẻ em gái không được đi học, phụ nữ không được ra khỏi nhà mà không có người thân là nam giới đi cùng.
Khi Bộ trưởng Austin thăm xung quanh Làng Tự do hôm 27/9, ông đã nghe 2 người phụ nữ trẻ nói về mơ ước muốn trở thành bác sỹ ở Mỹ. Họ nở nụ cười tràn đầy lạc quan.
“Tôi muốn trở thành một cư dân Mỹ”, một người phụ nữ nói.
“Chắc chắn rồi”, ông Austin đáp lại./.