Quốc khánh Pháp (14/7) năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì binh sỹ Mỹ sẽ tham gia lễ diễu binh với đồng minh Pháp để đánh dấu 100 năm Mỹ tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Còn đối với cá nhân 2 nhà lãnh đạo Pháp và Mỹ, cuộc gặp tại Paris lần này sẽ hướng dư luận ra khỏi những vấn đề cá nhân và chính trị mà họ đang phải giải quyết, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump với những lùm xùm liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

trump_macron_getty_images_tfxc.jpg
Cuộc gặp của lãnh đạo Pháp-Mỹ dịp Quốc khánh (14/7) này hứa hẹn mang lại lợi ích cho cả 2. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Cuộc gặp của 2 nhà lãnh đạo khác biệt…

Tổng thống Donald Trump có mặt tại Paris từ hôm qua (13/7) để gặp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trước khi tham dự các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp 14/7.

Donald Trump và Emmanuel Macron, một người cầm quyền được gần nửa năm, một người được khoảng 2 tháng, mối quan hệ đồng minh giữa họ quá mới và nhiều trắc trở so với lịch sử quan hệ lâu đời giữa 2 nước.

Khi 2 nhà lãnh đạo lần đầu gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi tháng 5, họ đã có cái bắt tay gây chú ý khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn buông tay nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn nắm chặt. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến ông Donald Trump, người vẫn thường thích tỏ ra “trên cơ” khi bắt tay các nhà lãnh đạo thế giới.

Ông Macron còn làm ông Donald Trump bẽ bàng thêm lần nữa khi bất ngờ đổi hướng sang bắt tay Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo thế giới khác, để Tổng thống Mỹ, với vòng tay đã mở rộng sẵn để chào đón người đồng cấp Pháp, phải chờ đợi.

Nhưng những “lỗi” ngoại giao đó chỉ là tiểu tiết so với những khác biệt to lớn về chính sách giữa lãnh đạo Pháp và Mỹ.

Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp bắt tay tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 5. (Nguồn video: Youtube/Bloomberg)

Đáp lại việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, Tổng thống Pháp đã đăng một video bằng tiếng Anh, trong đó ông không những mời các nhà khoa học Mỹ đến và sống ở Pháp mà còn “nhại” lại khẩu hiệu tranh cử của ông Donald Trump (Make America Great Again), biến nó thành “Làm cho hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại” (Make Our Planet Great Again).

Trong khi đó, trước khi ông Macron đắc cử, Tổng thống Mỹ lại công khai ủng hộ đối thủ của ông là ứng viên cực hữu Marine Le Pen, người được cho là “Donald Trump của nước Pháp”.

… Nhưng lại giống nhau đến bất ngờ

Cuộc gặp tại Paris lần này là cuộc gặp giữa một chính trị gia trẻ tuổi đã phá vỡ trật tự chính trị xưa cũ của nước Pháp để trở thành Tổng thống, với một tỷ phú bất ngờ giành chiếc ghế trong Nhà Trắng bằng những cam kết phá vỡ nhiều nguyên tắc lâu nay của nước Mỹ.

Giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự có những điểm tương đồng lớn. Cả hai đều là những người bứt phá khỏi phong cách chính trị truyền thống và tự phác họa bản thân là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết liệt.

Ông Macron cũng giống Tổng thống Donald Trump ở tính khó đoán và Tổng thống Pháp dùng chính sự khó đoán đó để ứng xử với người đồng cấp Mỹ.

Sau lần tiếp xúc gượng gạo ở Hội nghị Thượng đỉnh NATO, cuối tháng 6, ông Macron mời ông Donald Trump tới Paris dự Quốc khánh Pháp và Tổng thống Mỹ đồng ý. Sau đó tại hội nghị G-20, bất chấp những lời lẽ gay gắt dành cho ông Donald Trump, Tổng thống Pháp vẫn lách qua các chính trị gia khác để tìm chỗ đứng bên cạnh Tổng thống Mỹ trong bức ảnh chụp tập thể.

Về phía Tổng thống Donald Trump, từng ủng hộ bà Le Pen nhưng có lẽ ông lại thích thú với việc ông Macron chiến thắng trên cương vị lãnh đạo một đảng chính trị hoàn toàn mới ở Pháp mang tên Tiến Bước (En Marche), và cả cách Tổng thống Pháp khởi động nhiệm kỳ của mình như một Tổng tư lệnh.

Nếu như Tổng thống Macron quyết định diễu hành qua đại lộ Champs-Élysées trên một chiếc xe quân sự thay vì xe dân sự trong ngày nhậm chức thì Tổng thống Donald Trump cũng được cho là từng bày tỏ mong muốn dùng xe quân sự trong lễ diễu binh nhậm chức của chính ông hồi tháng 1/2016. Một quan chức Pháp thậm chí cho rằng đây là một phần lý do ông Donald Trump háo hức tới Pháp dự diễu binh ngày Quốc khánh lần này.

“Rõ ràng ông Donald Trump thích điều đó và ông không hiểu tại sao lễ nhậm chức Tổng thống của mình lại không được như vậy”, quan chức giấu tên của Pháp chia sẻ với Le Journal du Dimanche.

Trong khi đó, Cố vấn thân cận của Tổng thống Donald Trump, Steve Bannon, chỉ ra rằng, dù tuyên bố là một người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa, ông Macron thực chất có nhiều quyết sách theo chủ nghĩa dân tộc dưới danh nghĩa đưa nước Pháp trở thành quốc gia ưu việt ở châu Âu. Ông Banon cũng cho rằng Tổng thống Pháp Macron, một người theo chủ nghĩa trung dung, thực chất gần gũi với triết lý của ông Donald Trump hơn là phe cấp tiến, bởi ông Macron không muốn nhà nước điều hành nền kinh tế.

Lợi ích khi gác lại bất đồng

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rất cần phân tán dư luận khỏi những vấn đề trong nước liên quan tới cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga và gần đây là lùm xùm quanh việc con trai cả Donald Trump Jr. gặp luật sư Nga để tìm bằng chứng buộc tội đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc tranh cử năm 2016.

Thăm Paris lần này cũng là một cơ hội cho Tổng thống Donald Trump cải thiện hình ảnh của mình ở Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sau hàng loạt quyết sách gây rạn nứt quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, như việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)…

Lợi ích cho Tổng thống Pháp Macron còn nhiều hơn.

Tổng thống trẻ tuổi và ít kinh nghiệm của Pháp cũng đang khao khát tăng cường ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế cũng như củng cố vị thế của ông trong bối cảnh lòng trung thành chính trị trong nước vẫn còn chia rẽ.

Tổng thư ký đảng Xã hội Pháp Jean-Christophe Cambadélis cho rằng ông Macron “đang tìm kiếm bạn bè trong số các nhà lãnh đạo cường quốc trên thế giới” bởi vì ông cần phải “hợp pháp hóa chiến thắng của mình” sau khi chỉ giành được chưa đầy 1/4 số phiếu trong vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Ông Macron không vội vàng đến Mỹ ngay sau khi nhậm chức như Thủ tướng Anh Theresa May đã làm, thay vào đó nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp dám thách thức Tổng thống Donald Trump, như cách ông cũng đã làm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này cho phép ông vẫn ở vị trí có thể phản bác Tổng thống Donald Trump. Ông Macron đã tận dụng các cuộc gặp với cả Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga để nâng cao vị thế của ông lẫn nước Pháp trên trường quốc tế.

Nhờ chiến thuật này, lời mời ông Donald Trump thăm Pháp không vấp phải sự phản đối nào trong khi động thái tương tự của Thủ tướng Anh Theresa May lại đứng trước hàng loạt nghi ngại.

“Đây thực sự là tình thế thắng cả đôi đường [đối với ông Macron]”, Robert Zaretsky, giáo sư về Lịch sử Pháp tại Đại học Houston (Mỹ), nhận định. “Nếu ông ấy có thể thuyết phục Tổng thống Donald Trump nghĩ lại về Thỏa thuận khí hậu Paris hoặc nhất trí với một chính sách rõ ràng hơn về thái độ của phương Tây với tình hình ở Syria, hay một chính sách chung về chống khủng bố, ông ấy rõ ràng sẽ là người thắng cuộc”.

Zaretsky nói thêm: “Nếu Macron không thành công, dù sao ông ấy cũng đã đưa được Tổng thống Donald Trump đến Pháp vào khoảnh khắc có ý nghĩa biểu tượng quan trọng nhất trong năm với đất nước này, nêu cao 3 giá trị mà ông Donald Trump bỏ qua hàng ngày: Tự do, Bình đẳng và Bác ái”./.