Kết quả cuối cùng không tưng bừng như kỳ vọng, nhưng với việc đảng “Nền cộng hào tiến bước” chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoàn tất cuộc chinh phục quyền lực khó tin nhất trong lịch sử nền Cộng hoà thứ Năm nước Pháp.

macron_konp.jpg
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bỏ phiếu tại Le Touquet, miền bắc nước Pháp. (Ảnh: SIPA/REX/Shutterstock)

Chỉ trong vòng hơn 1 năm, ông Macron và đảng “Nền cộng hoà tiến bước” (trước đó là đảng “Tiến bước”) đã làm được một việc không tưởng là vẽ lại toàn bộ bức tranh chính trị Pháp. Ông Macron trở thành Tổng thống Pháp trẻ tuổi nhất trong lịch sử ở tuổi 40 còn đảng “Nền cộng hoà tiến bước” phá tan thành trì vững chắc của hai cánh tả-hữu vốn thống trị chính trường Pháp suốt từ 1958 tới nay.

Dù tránh được những kịch bản tồi tệ nhất trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/6 nhưng cả hai cánh tả-hữu của Pháp với đại diện là hai đảng “Những người cộng hoà” bên cánh hữu và đảng Xã hội bên cánh tả, giờ đây chỉ còn được xem là những nhóm đối lập yếu ớt, với tổng số ghế của cả hai đảng lớn này cộng lại cũng chỉ bằng một nửa liên minh đảng “Nền cộng hoà tiến bước”.

Tương quan lực lượng mới này tại Quốc hội Pháp sẽ đảm bảo cho ông Macron một đa số vững vàng trong 5 năm tới và sẽ là nền móng để ông Macron thực hiện các lời hứa cải cách táo bạo đã đưa ra khi tranh cử, trước tiên là việc sửa đổi Bộ luật Lao động.

Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của chính quyền cựu Tổng thống Francois Hollande nhiệm kỳ trước là bị một nhóm Nghị sĩ “nổi loạn” cản trở mọi dự luật cải cách, đảng của của ông Macron dự tính sẽ kiểm soát chặt chẽ các Nghị sĩ là thành viên đảng mình bằng các cam kết. Theo đó, mọi Nghị sĩ của đảng “Nền cộng hoà tiến bước” trước và sau khi tranh cử đều phải ký vào cam kết ủng hộ 6 chương trình cải cách lớn mà Tổng thống Macron đưa ra.

Theo các nhà phân tích chính trị Pháp, ngoài mục đích ngăn chặn ngay từ đầu các rủi ro trong nội bộ thì việc siết chặt kỷ luật này cũng là cách để đảng “Nền cộng hào tiến bước” hạn chế các sai sót đến từ việc thiếu kinh nghiệm trong công tác lập pháp. Bởi lẽ, trong 577 Nghị sĩ vừa được bầu vào Quốc hội mới của Pháp, có đến 75% là người mới và trong nội bộ đảng “Nền cộng hoà tiến bước” thì có đến 1/3 Nghị sĩ đắc cử chưa từng có kinh nghiệm làm luật.

Đối với bộ máy hành pháp thì cuộc bầu cử lập pháp này cũng sẽ mang lại một vài thay đổi. Do cả 6 Bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe tham gia tranh cử vào Quốc hội đều đắc cử nên khả năng thay đổi lớn nội các khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo luật định, Thủ tướng Edouard Philippe vẫn sẽ đệ trình lên Tổng thống Macron đơn từ chức của Chính phủ cũ để thành lập Chính phủ mới.

Động thái này chỉ mang tính hình thức nhưng cũng có nhiều khả năng Tổng thống Macron sẽ bổ sung thêm một vài chức danh Quốc vụ khanh hoặc Cao uỷ mới nhằm gánh vác bớt công việc cho Chính phủ, đặc biệt tại các bộ lớn như Bộ Kinh tế và tài chính.

Khác với các đời Tổng thống trước, ông Macron đặt ra yêu cầu rất cao đối với các vị trí trong chính phủ. Ngay sau khi nhậm chức, ông Macron đã yêu cầu mọi Bộ trưởng phải trình một bản kế hoạch hành động trước ngày 15/6. Các Bộ trưởng này cũng sẽ bị đánh giá chất lượng công việc theo từng năm và sẽ lập tức bị sa thải nếu không hoàn thành cam kết./.